Multimedia Đọc Báo in

Krông Na nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống

09:40, 19/02/2019

Xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) không chỉ được biết đến là vùng đất với những cảnh quan hùng vĩ, nhiều điểm du lịch độc đáo, mà còn là địa điểm tổ chức nhiều lễ hội và lưu giữ được những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc như Êđê, M’nông, Lào...

Xã Krông Na hiện có 1.526 hộ, 5.568 khẩu với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Êđê và M’nông chiếm gần 63% dân số, người Việt gốc Lào chiếm hơn 4,2%. Ông Y Thông Khăm Niê Kdăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TW, ngày 16-7-1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xã đã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Hằng năm, Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức sưu tầm và vận động nhân dân cùng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; duy trì tổ chức đều đặn Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc với nhiều hoạt động như: Phục dựng lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu, lễ đua voi… Thông qua các nghi lễ này, người dân trên địa bàn hiểu được vốn quý và trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Ông Y’Kom Hwing bên bộ chiêng được sưu tầm và lưu giữ tại UBND xã Krông Na.
Ông Y’Kom Hwing bên bộ chiêng được sưu tầm và lưu giữ tại UBND xã Krông Na.

Ông Ây Nô Lào ở buôn Trí A chia sẻ: “Tôi là người Việt gốc Lào, lấy vợ người Êđê nên truyền thống văn hóa của gia đình rất... phong phú. Từ Tết Bunpimay hằng năm, các nghi lễ truyền thống của Lào cho đến những lễ hội của người Êđê, các thành viên trong gia đình ai cũng biết. Đặc biệt, gia đình đang còn giữ được một bộ chiêng quý, nhiều người tìm đến hỏi mua nhưng tôi nhất định không bán”. Tương tự, ông Y Nhi H’ra ở buôn Đôn cũng là gia đình duy nhất trong buôn còn lưu giữ được bộ chiêng của người Êđê. Mặc dù tuổi đã cao, không còn có thể đánh chiêng hay tham gia biểu diễn tại các lễ hội nhưng ông vẫn cương quyết giữ lại bộ chiêng này như một kỷ vật của ông bà tổ tiên để lại.

Người Việt gốc Lào ở xã Krông Na vui đón Tết Bunpimay trong điệu múa truyền thống.
Người Việt gốc Lào ở xã Krông Na vui đón Tết Bunpimay trong điệu múa truyền thống.
 
"Những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Krông Na thời gian qua là minh chứng cho hiệu quả của quá trình vận động, tuyên truyền gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Krông Na".
 
Ông Vũ Văn Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn Đôn

Không chỉ vận động người dân giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như nếp nhà sàn, ủ rượu cần, dệt thổ cẩm..., xã Krông Na còn thành lập một đội chiêng với 12 thành viên để biểu diễn trong các dịp lễ hội. Theo ông Y’Kom Hwing, đội trưởng đội chiêng, xã thành lập đội chiêng từ năm 2008 với mục đích biểu diễn trong các lễ hội. Từ đó đến nay, trong các nghi thức, nghi lễ hay bất cứ chương trình gì của xã hay huyện, đội chiêng xã Krông Na đều có mặt tham gia đầy đủ. Không những vậy, các thành viên trong đội còn truyền dạy lại cho con cháu cách đánh chiêng, tuyên truyền cho người thân và họ hàng bảo tồn, lưu giữ chiêng như là vốn quý.

Anh Y Phưng Niê, Bí thư Đoàn xã Krông Na cho hay, ngoài đội chiêng của xã, năm 2014 Đoàn xã cũng đã phối hợp với Trường THCS Võ Thị Sáu thành lập một đội chiêng trẻ với 15 thành viên nhằm góp phần truyền đạt lại văn hóa cồng chiêng cho lớp trẻ. Ngoài ra, Đoàn xã còn phối hợp với các đơn vị, cá nhân khác thành lập đội nhạc cụ Lào, cứ đều đặn mỗi tháng tổ chức 1 lớp dạy nhạc cụ, dạy các điệu múa truyền thống của người Lào. Thông qua việc tổ chức vui đón Tết truyền thống Bunpimay hằng năm, các nghi lễ truyền thống của Lào như: hành lễ Phật cầu chúc năm mới, lễ tắm Phật, đắp tháp cát được tái hiện một cách sinh động… đã giúp những người Việt gốc Lào ở đây thêm yêu và cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.