Multimedia Đọc Báo in

Lễ tạ ơn, báo hiếu cha mẹ của người J'rai

10:53, 24/02/2019

Từ bao đời nay lễ “Tạ ơn, báo hiếu cha mẹ” nhằm báo đáp công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của bà con người J’rai ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Mới đây trong chuyến đến buôn M’lăh, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tôi có dịp dự lễ “Tạ ơn, báo hiếu cha mẹ” - một trong những nghi lễ truyền thống lâu đời của người J’rai thường được tổ chức vào khoảng thời gian nông nhàn. Đặc biệt, mỗi người con chỉ được tổ chức duy nhất một lần cho cha mẹ ruột bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

Theo quan niệm của người J’rai, những người con ruột đã có gia đình, kinh tế ổn định đến một lúc thích hợp sẽ họp gia đình thông báo với họ hàng dòng tộc để làm lễ báo hiếu cha mẹ mình. Được sự đồng ý của cha mẹ, gia chủ sẽ chọn ngày tốt để mời mọi người trong làng đến tham dự. Ông Nay Bun, tên thường gọi là Ama Xanh (SN 1972, ở buôn M’lăh, xã Phú Cần), người đứng ra tổ chức lễ báo hiếu hôm nay chia sẻ: “Sau hơn mấy chục năm phấn đấu làm kinh tế, đến nay gia đình tôi đã có của ăn của để. Được sự đồng thuận của vợ, nay tôi mời anh em bạn bè cùng với dân làng đến tham dự lễ tạ ơn báo hiếu cho cha tôi, đồng thời cầu cho ông có sức khỏe để sống lâu với con cháu”.

Ama Xanh (bìa phải) cung kính dâng đĩa thịt bò tạ ơn cha mình.
Ama Xanh (bìa phải) cung kính dâng đĩa thịt bò tạ ơn cha mình.
 

“Theo nghi lễ truyền thống của người J’rai ở huyện Krông Pa, con cái trưởng thành đều sẽ làm lễ tạ ơn cho cha mẹ. Tùy theo điều kiện của mỗi người mà lễ được tổ chức lớn hay nhỏ, nhỏ thì mình đốt heo, khá hơn một chút thì đốt bò chứ không bắt buộc theo khuôn mẫu”.

 
 
Già làng buôn M’lăh, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai

Theo lời Ama Xanh, nhà ông có 8 anh chị em, các anh chị đã đốt bò báo hiếu cha mẹ hết rồi. Còn ông hôm nay chuẩn bị một con bò 5 tạ cùng hàng chục ghè rượu cần thơm ngon ủ trước đó mấy tháng để đãi dân làng đến chung vui  trong ngày trọng đại này. Mặc dù đến trưa phần lễ mới chính thức bắt đầu nhưng từ sáng sớm dân làng đã đến phụ giúp chủ nhà làm công tác hậu cần. Thanh niên trai tráng giúp mổ bò chuẩn bị các món như: vếch bò (ruột non của con bò), thịt bò nướng, thịt bò tái trộn tiết… cho đại tiệc, cánh chị em phụ nữ thì phụ trách việc nấu cơm, hầm canh và các món ăn kèm khác. Cứ thế mọi người cùng nhau góp sức mình trong không khí rộn ràng, đoàn kết không phân biệt già trẻ, trai gái.


Trong gian nhà dài, ché rượu cần đã được cột thành hàng, bộ cồng chiêng bày sẵn, sẵn sàng cho giờ làm lễ. Gần trưa, tiếng chiêng từ nhà dài ngân lên báo hiệu buổi lễ chính thức được bắt đầu. Ama Xanh cung kính lên dâng đĩa thịt đầu tiên và chân thành cám ơn công lao nuôi dưỡng không thể kể hết bằng lời với cha mình là ông Ksor Kleo trước sự chứng kiến của dân làng. Ngoài thịt bò thì lễ vật kèm theo là bộ đồ truyền thống để tặng cha mẹ. Tiếp đó, già làng làm lễ cầu sức khỏe cho chủ nhân bữa tiệc, sau cùng Ama Xanh mời cha vít cần khai rượu. Bữa tiệc chính thức bắt đầu, mọi người cùng ăn uống chia sẻ niềm vui với gia chủ. Nếu như ngày xưa mỗi người khách tới tham dự buổi lễ chỉ đến chung vui với gia chủ không cần phải mang theo quà cáp gì hết thì ngày nay họ sẽ đưa tiền mừng cho người được làm lễ .Bên cạnh đó, mỗi vị khách sẽ được gia chủ tặng lộc là một phần thịt bò gói trong bọc mang về.

Già làng đeo vòng chúc sức khỏe người chủ nhân buổi lễ.
Già làng đeo vòng chúc sức khỏe người chủ nhân buổi lễ.

Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, cộng đồng người J’rai theo chế độ mẫu hệ nên lễ tạ ơn, báo hiếu cha mẹ thường được ưu tiên tổ chức cho phía nhà vợ trước, sau đó mới tới lượt cho cha mẹ chồng. Theo già làng Oi Hương (buôn M’lăh), cha mẹ đã một đời vất vả nuôi các con khôn lớn, rồi chia tài sản khi lập gia đình riêng. Khi con cái tổ chức lễ tạ ơn cha mẹ, chứng tỏ là chúng nó đã trưởng thành, tự làm ra của cải và bố mẹ cảm thấy rất tự hào. Ngược lại, nếu mãi chưa tổ chức, đứa con đó sẽ rất áy náy với mọi người vì phận làm con mà không có gì tạ lễ báo hiếu được cha mẹ.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.