Thạc sĩ công nghệ "say"... ché cổ
10 năm qua, anh Đặng Quốc Huy (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) rong ruổi khắp các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số để sưu tầm những chiếc ché cổ còn sót lại. Anh luôn nâng niu chúng như những "đứa con" của mình.
Vốn là một Thạc sĩ ngành Hệ thống Thông tin, hiện là chuyên viên Quản trị mạng của Trường Đại học Tây Nguyên nhưng anh Huy lại có niềm đam mê kỳ lạ với ché cổ. Bước vào ngôi nhà của anh, bất cứ vị khách nào cũng choáng ngợp trước “gia tài” ché cổ trải dài từ trong nhà ra ngoài sân, kể cả trên gác lửng đủ loại ché to nhỏ với các kiểu dáng khác nhau. Anh hào hứng khoe, hiện đã sưu tầm được khoảng 250 chiếc ché, trong đó nhiều ché quý có niên đại hàng trăm năm, có cái là “độc bản” hoặc còn rất ít. Ví dụ ché Túk, ché “Tứ long bát quai” đều không có cái thứ hai, niên đại khoảng 300 năm; ché “Nhị long tranh châu” ở thời Trần có niên đại đến 700 năm. Ngoài ra, còn có ché cổ khác như Tai lân, Tùng cúc, Mặt bợm, Chân voi, Bốn mùa, Yang Ngông, Lệnh bài, Bát bửu,... Theo anh Huy, tên gọi của chúng chủ yếu dựa vào hình thù, các hoa văn khắc trên ché. Giá ché anh sưu tầm tùy thuộc vào mỗi loại, có loại chỉ có vài trăm ngàn, có loại phải tốn hàng chục triệu đồng.
Anh Quốc Huy tìm hiểu về chiếc ché cổ tại buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. |
Anh Huy chia sẻ, bản thân thích sưu tầm đồ cổ vì được “di truyền” từ bố. Nhưng khác với bố chỉ thích đồ cổ chạm trổ phong cách Huế thì anh bị “hớp hồn” bởi ché cổ. 25 tuổi, anh bắt đầu hành trình với ché cổ của mình. Cái đầu tiên anh sở hữu là một ché Tang, được anh cất công mua ở xã Yang Tao, huyện Lắk. Giá trị tuy không lớn nhưng vừa nhìn anh đã quyết tâm phải sở hữu bằng được nó. Từ đó, bất cứ khi nào nghe tin có ché cổ là anh lập tức tới tận nơi “mục sở thị” cho bằng được. Không thể kể hết những buôn làng anh đã ghé qua, những con đường anh đi để săn tìm ché cổ. Với anh, hành trình đó không hề dễ dàng. Anh Huy nhớ lại: “Nhiều lần vượt hơn trăm cây số mà không mua được gì vì người ta không bán hoặc dòng ché đó mình có rồi. Cũng có lần mua được ché mình thích, chưa kịp vui thì về phát hiện ché bị thủng, có cái về kiểm tra kỹ thì làm lại tai, miệng...”.
Ché là vật dụng không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nó gắn bó mật thiết với con người qua các sinh hoạt lễ hội, là vật cúng tế thần linh, vật trao đổi, vật gia truyền... Ché được coi là thước đo sự giàu nghèo trong xã hội, được coi là tài sản quý của gia đình, truyền từ đời này sang đời khác. |
Trò chuyện về ché cổ, anh Huy nói với giọng đầy say mê không ngừng. Anh gọi việc gắn bó với ché cổ là “mối lương duyên” không phải ai cũng có được. Bởi ché cổ thường có niên đại trên trăm năm rất “linh thiêng” nên nếu không được “chọn” thì dù có bao nhiêu tiền cũng khó sở hữu được chúng. Anh Huy tiết lộ, có nhiều người sưu tầm đồ cổ trả giá rất cao những ché cổ của anh nhưng anh đều từ chối. “Những người bán ché cho tôi do miếng cơm manh áo nhưng cũng canh cánh trong lòng lo “báu vật” gia đình rơi vào tay những người không biết quý trọng nó. Họ mong tôi giữ gìn cẩn thận những chiếc ché ấy”, anh Huy bộc bạch.
Chuông điện thoại anh reo, nghe có người bán ché ở buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, anh tức tốc lên đường ngay. Tôi cũng xin đi theo. Nhưng vừa đến nơi, thấy hai chiếc ché nét mặt của anh bỗng ủ rũ khác hẳn với sự hồ hởi ban đầu. Anh buông giọng buồn: “Dòng ché này nhà tôi có rồi”. Anh quay qua nói với tôi, bộ sưu tập của mình còn thiếu ché “Mẹ bồng con” và ché “12 tai” nhưng mãi vẫn chưa tìm được nó. Anh thú nhận, cái đam mê này “khó cưỡng” lắm, mỗi lần không sở hữu được chiếc ché mình thích thì không ăn ngon ngủ yên được.
Đến bây giờ, nguyện vọng lớn nhất của anh Huy là có được một phòng trưng bày giới thiệu 250 chiếc ché cho mọi người chiêm ngưỡng. Và ấp ủ dự định có một “đường ché” dành cho những người đam mê, sưu tầm về ché có thể giao lưu, giới thiệu các loại ché với nhau. Anh quan niệm: “Giữ được những cổ vật của lịch sử là giữ được một phần quá khứ, chia sẻ đam mê để mọi người có thể cùng nhau bảo tồn những giá trị cổ xưa đặc sắc, không để chúng bị lãng quên theo thời gian”.
Nguyễn Thùy
Ý kiến bạn đọc