Truyền thông và góc nhìn về văn hóa của các dân tộc thiểu số
Dưới góc nhìn của truyền thông hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là mảng đề tài được khai thác khá đậm. Tuy nhiên, sự khai thác theo kiểu “huyền bí hóa”, “lãng mạn hóa” và “bi kịch hóa” đời sống của họ đang là điều cần phải xem xét lại.
Có thể nói, những tập tục khác lạ trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được giới truyền thông mô tả dưới màu sắc huyền bí là đề tài có sức lôi cuốn và hấp dẫn người đọc nhất hiện nay. Những khác lạ đó liên quan đến hôn nhân, gia đình và đời sống tình cảm của đồng bào như tập tục cướp vợ, ngủ thăm, đi sim, chọc sàn, nối dây, chợ tình… cho đến thói quen để ngực trần và “tắm tiên” của sơn nữ. Người mô tả (là nhà báo) về sự khác lạ này, tất nhiên là người ngoài cuộc nhìn vào nên không tránh khỏi lối suy diễn chủ quan, tạo ra hình ảnh méo mó về văn hóa các tộc người thiểu số trong con mắt bạn đọc và phản ứng của chính đối tượng được báo chí phản ánh.
Ví như chợ tình Sa Pa, Khâu Vai của người Hmông, Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc được báo chí mô tả như một “điểm hẹn” để làm những chuyện xằng bậy, mang nặng tính nhục cảm. Ông Cư Hòa Vần - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội đã có lần lên tiếng phản bác: “Thực sự không có chợ tình như vậy. Những chợ tình như Sa Pa, Khâu Vai là nơi diễn ra giao lưu văn hóa, thông tin, tình cảm của cộng đồng người bản xứ. Nhưng nhà báo (người Kinh) lại cường điệu, thêu dệt thêm rằng đến đó gặp nhau, kéo nhau đi và muốn làm gì thì làm. Điều đó hoàn toàn bịa đặt!”.
Hòa tấu chiêng tre của người Êđê. Ảnh: Tấn Vịnh |
Cùng với xu hướng phủ lên văn hóa người dân tộc thiểu số lớp sương mờ huyền bí, cuốn hút sự tò mò của độc giả, thì khuynh hướng “lãng mạn hóa” cũng có sức nặng đáng kể trên mặt báo. Đó là ngợi ca phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mơ mộng, hoang sơ và những thú vui trong đời sống sinh hoạt văn hóa, lễ hội, ẩm thực của người dân cũng được báo chí vẽ ra như một món quý hiếm, khó nắm bắt và khu biệt trong từng cộng đồng người mà quên rằng đó là không gian lịch sử - vốn là không gian văn hóa gần gũi, quen thuộc của cộng đồng các dân tộc thiểu số tồn tại trong quá khứ xa xưa chứ không phải là hiện tại.
Còn khuynh hướng “bi kịch hóa” thể hiện rõ nhất ở vấn đề lạc hậu, nghèo đói triền miên của họ. Báo chí thường nhấn mạnh khía cạnh khốn khó trong đời sống của đồng bào nhằm kêu gọi sự can thiệp, giúp đỡ từ Nhà nước, cá nhân và tổ chức hảo tâm. Thậm chí nhiều tờ báo còn mô tả tràn lan các tệ nạn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như một hệ quả tất yếu của đời sống đói nghèo, bế tắc và không lối thoát. Nói như PGS - TS. Trương Quốc Bình - Chuyên viên Viện Văn hóa Việt Nam tại Hội thảo Bảo tồn di sản văn hóa các tộc người Tây Nguyên (được tổ chức hồi tháng 4-2017 tại TP. Buôn Ma Thuột) - rằng báo chí đã có cái nhìn một chiều đối với đồng bào dân tộc thiểu số, họ khen ngợi thái quá vai trò giúp đỡ từ bên ngoài, trong khi lờ đi tiềm lực nội tại của mỗi một cộng đồng. Hơn thế, còn nhìn đồng bào dân tộc thiểu số như những người ngây thơ, cả tin để từ đó dễ bị lợi dụng, xúi dục và kích động…
Bằng cách tập trung khai thác, phản ánh những yếu tố này, giới truyền thông mặc nhiên thừa nhận nguyên nhân sâu xa, trực tiếp của các tình trạng trên - nhất là đói nghèo, lạc hậu là vấn đề nội tại của các dân tộc thiểu số hiện nay. Còn yếu tố bên ngoài như sự bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách phát triển ở miền núi nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của chính quyền; sự can thiệp thô bạo của các dự án kinh tế - xã hội; sự tàn phá môi trường sống, khai thác cạn kiệt tài nguyên và buông lỏng quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng… thường ít khi được đề cập (!?). Với cách nhìn nhận vấn đề như vậy, ít nhiều cho thấy báo chí chưa cố gắng thấu hiểu văn hóa, lối sống của các tộc người thiểu số, ngược lại đang “dán nhãn” lên lối sống của họ. Đáng tiếc là đối tượng bị “dán nhãn” vốn có tiếng nói yếu ớt, rất ít có cơ hội để phản hồi lại những thông tin sai lệch về mình.
Đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị của nhiều cấp, ngành bàn đến sự cần thiết trong việc tôn trọng tính khách quan, minh bạch của thông tin báo chí và có quan điểm thấu hiểu (hơn là phán xét) khi tiếp cận và phản ánh về đời sống người dân tộc thiểu số. Trong đó, điều quan trọng nhất vẫn cần có chiến lược đổi mới truyền thông về vấn đề dân tộc thiểu số và miền núi với chủ trương, chính sách, lộ trình phù hợp và tích cực. Cần thiết phải đưa vấn đề trên vào chương trình đào tạo người làm báo, tổ chức tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho giới truyền thông về văn hóa các dân tộc thiểu số. Qua đó để giới truyền thông tiếp cận, thấu hiểu và phản ánh chân thực hơn về văn hóa nói riêng và đời sống của người dân tộc thiểu số nói chung.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc