Multimedia Đọc Báo in

Miệt mài gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

09:08, 09/03/2019

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang có nguy cơ mai một dần tại nhiều buôn làng trong tỉnh, nhưng tại buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc), một vài phụ nữ Êđê lớn tuổi vẫn âm thầm bên khung cửi.

Đến buôn Kplang, chúng tôi được gặp bà H Wiêt Niê (64 tuổi), một người tâm huyết với việc lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Công việc hằng ngày của bà H Wiêt là dệt những tấm thổ cẩm, từ đó làm thành các sản phẩm như váy, áo, chăn, khăn… để tặng con cháu trong lễ cưới và kiếm thêm thu nhập. Với bà, công việc dệt thổ cẩm tuy vất vả nhưng lại chan chứa niềm vui, vì thỏa mãn được sự sáng tạo với những sợi chỉ, sợi len nhiều sắc màu, với những hoa văn phong phú, đa dạng và quan trọng hơn đó là tấm lòng của người bà, người mẹ  tặng cho con cháu, với mong muốn lớp trẻ thấy được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình để từ đó biết giữ gìn, trân quý.

Bà H Wiêt Niê ở buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) bên khung dệt thổ cẩm.
Bà H Wiêt Niê ở buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) bên khung dệt thổ cẩm.

Đôi tay vẫn thoăn thoắt bên khung cửi, bà H Wiêt kể: “Từ nhỏ, tôi đã mê khung dệt. Tranh thủ lúc mẹ dệt xong, tôi nhặt nhanh những sợi chỉ còn sót lại tập tành dệt, thấy vậy mẹ bắt đầu dạy cho tôi cách se sợi, dệt những hoa văn đơn giản”. Thấm thoát đã mấy chục năm, bà H Wiêt vẫn miệt mài gắn bó với khung dệt. Bà không còn nhớ mình đã dệt được bao nhiêu tấm thổ cẩm, chỉ biết rằng được cầm khung cửi, được dệt những hoa văn mình yêu thích là hạnh phúc. Không chỉ vậy, công việc dệt thổ cẩm mang lại cho bà nguồn thu nhập đáng kể, những tấm thổ cẩm của bà dệt được khách hàng ở nhiều nơi như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng… ưa chuộng, bởi không chỉ thể hiện được hoa văn truyền thống của đồng bào Êđê mà màu sắc của sản phẩm cũng rất đa dạng. Gần đây, bà còn dệt tên khách hàng, tên công ty, đơn vị… lên sản phẩm theo yêu cầu, nhờ vậy khách hàng đã tìm đến bà để đặt hàng dệt.

Với kinh nghiệm của mình, bà H Wiêt chia sẻ cách để dệt một tấm thổ cẩm đẹp. Ngoài sự tỉ mỉ, cần cù, tư thế ngồi dệt phải song song với khung dệt. Người dệt một mặt phải am hiểu về truyền thống của dân tộc mình, nhưng mặt khác phải mày mò, tìm hiểu thêm về các màu sắc hiện đại để sản phẩm dệt ra vẫn giữ được nét truyền thống nhưng không lỗi thời. "Trước đây, nguyên liệu để dệt thổ cẩm được các bà, các mẹ trong buôn Kplang làm từ sợi bông và nhuộm từ vỏ cây. Để phù hợp với yêu cầu của khách hàng và rút ngắn thời gian dệt thổ cẩm, tôi sử dụng sợi chỉ và len làm nguyên liệu chính, sản phẩm khi hoàn thành sẽ mềm, độ bền cao hơn", bà H Wiêt nói.

Cũng giống như bà H Wiêt, bà H’Nĩ Byă được mẹ dạy dệt thổ cẩm từ năm 17 tuổi. Bà vẫn hay dệt các sản phẩm thổ cẩm tặng con cháu và tặng bà con trong buôn với mong muốn mọi người không quên nét văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, do tuổi cao, mắt kém bà không còn dệt nữa, tuy nhiên trong các đám cưới, hỏi, ngày lễ, hội... của buôn, bà H’Nĩ đều mặc trang phục truyền thống của người Êđê.

Trưởng buôn Kplang Y Út Byă cho biết, trong buôn hiện chỉ còn ba người lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, chủ yếu là phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhận thức rõ dệt thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Êđê cần được giữ gìn và phát huy, những ngày buôn làng vào hội, đặc biệt là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, trong lễ cưới hỏi, già làng, Ban tự quản buôn luôn động viên bà con sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra, vào những buổi họp buôn, sinh hoạt cộng đồng, chính quyền buôn đều lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Hoàng Kha


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.