Phục dựng lễ hội và tiếng nói người trong cuộc
Phục dựng các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số hiện nay đang trở thành phong trào, được nhiều địa phương thực hiện, nhưng hiệu quả mang lại ra sao và đặc biệt là chủ thể của lễ hội ấy đón nhận như thế nào là vấn đề cần quan tâm.
Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, một số lễ hội truyền thống của người Êđê, M’nông, Sê Đăng… được chính quyền địa phương tài trợ kinh phí để phục dựng nhằm phục vụ du khách và hơn thế là để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng. Cụ thể: Lễ dựng cây nêu ở buôn Jù, cúng sức khỏe ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu); Lễ kết nghĩa chị em ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi); Lễ cúng bến nước ở buôn Ky (phường Thành Nhất); Lễ mừng mùa, kết nghĩa anh em (buôn Tơng Jú – xã Ea Kao); Lễ đón hồn chiêng, cầu mưa (xã Ea Tul – huyện Cư M’gar)… Tuy nhiên, sau khi tham dự, nhiều người cho rằng, những hoạt động diễn ra ở đó chỉ cốt để “trình diễn” cho du khách xem nhiều hơn là nhu cầu tự thân của mỗi cộng đồng dân tộc, bởi nó không có sức lan tỏa và cũng không mang thông điệp tinh thần nào cả.
Nghi thức đeo vòng tay cầu an và cầu sức khỏe cho gia chủ trong Lễ dựng cây nêu cầu an ở buôn Ju, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: T. Hồng |
TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học – Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên) nhận xét: Có thể nói, trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể thì lễ hội truyền thống được xem là một loại hình di sản tiêu biểu, mang tính tổng thể nguyên hợp đặc thù, trong đó nổi bật các giá trị được tuyên bố phổ quát: Lễ hội truyền thống là một dạng sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, thể hiện tính cố kết sức mạnh cộng đồng, giáo dục tinh thần dân tộc; Hoạt động lễ hội nhằm hướng đến việc phổ biến, phát huy các giá trị văn hóa đính kèm như phong tục, tập quán, âm nhạc, vũ điệu, trang phục và ẩm thực của các tộc người tại chỗ. Những giá trị ấy thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, cách ứng xử và quan niệm sống của mỗi cộng đồng với môi trường cư trú. Nó luôn được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ và dĩ nhiên có tác động hết sức tích cực đến nhận thức của chủ thể lẫn khách thể khi lễ hội được mở ra. Vốn dĩ lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở đây có mất đi đâu mà phục dựng, chẳng qua là nền tảng, thiết chế xã hội cổ truyền dần bị biến đổi, kéo theo đó ý thức của chính chủ thể vốn văn hóa ấy dần biến chuyển khiến nếp thực hành văn hóa này không còn đậm đặc như trước mà thôi.
Người M'nông Gar trình diễn nghi lễ Cúng lúa mới trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. |
“Nhà nước bỏ tiền ra để tổ chức rất nhiều lễ hội hằng năm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể. Điều trước tiên và cũng là điều cấp bách nhất là phải đào tạo được người dân tộc thiểu số tại chỗ thật sự hiểu biết sâu sắc về vốn văn hóa của cộng đồng mình khi làm công tác văn hóa từ cấp cơ sở. Bởi đơn giản một điều - khi thật sự hiểu và yêu những gì mình có thì họ mới dễ dàng gìn giữ, bảo tồn được”.
TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học – Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên)
|
Theo TS. Tuyết Nhung cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, vấn đề là xây dựng và trao gửi cho bà con thiết chế văn hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống hiện tại để họ biết phải làm gì trước yêu cầu gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa của mình, trong đó có lễ hội là việc mà các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm, hơn là cổ súy và chỉ đạo theo mệnh lệnh hành chính thông thường. Có thể nói, bất kỳ một giá trị văn hóa nào đều có bước chuyển mình theo lịch sử và thời đại – nó từ từ mai một, rạn nứt (thậm chí đứt gãy), nhưng sau đó tự thân chúng sắp xếp lại theo logic và trật tự tích cực, phù hợp với môi trường mới là chuyện đương nhiên. Nhưng ở đây, nhìn vào lễ hội truyền thống của bà con được một cơ quan, đơn vị nào đó đứng ra làm “ông bầu” để tổ chức thì dường như logic ấy đã khác, hay nói chính xác là đã lai tạp rất nhiều.
Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên – Linh Nga Niê Kdăm chia sẻ, đã từng tham dự Lễ đón hồn lúa về kho của đồng bào M’nông (huyện Lắk), Lễ cầu mưa của người Bana (huyện Đắk Đoa – Gia Lai) hay Cúng Yàng rông của dân tộc Sê đăng (huyện Ngọc Hồi – Kom Tum)… thấy sao mà tưng bừng, rộn rã đến thế. Mỗi thành viên trong cộng đồng là mỗi thành tố chân thực và thiết yếu để làm nên giá trị văn hóa đúng nghĩa, không lẫn lộn với dân tộc khác - từ nơi chốn, trang phục, âm nhạc cồng chiêng, vũ điệu đến lễ vật dâng cúng và hiến tế. Đồng bào tự ý thức tổ chức lễ hội cho mình bao giờ cũng đạt đến sự chân thực như nó vốn có. Từ đó mới thấy việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa của các cộng đồng, dân tộc ở đây có sức lan tỏa và ý nghĩa biết dường nào, nếu chính quyền địa phương có thiết chế hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thực hành văn hóa thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn, không vấp phải trở ngại nào – từ trong nhận thức của chủ thể đến mục đích, yêu cầu mà chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt ra.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc