Tạo sinh kế từ vốn văn hóa ẩm thực truyền thống
Đến giờ, hầu hết các nhà hàng, khách sạn ở TP. Buôn Ma Thuột, trong thực đơn đều có các món rau, củ quả rừng phục vụ thực khách. Hương vị của nó đã dần chinh phục được mọi người và để lại ấn tượng khó quên, dù chỉ thưởng thức một lần.
Những món ăn được chế biến từ củ quả, rau rừng ấy vốn có thường xuyên trong bữa ăn gia đình của người Êđê, M’nông, Jrai, Sê đăng… Nó gần gũi và thân thiết đến nỗi từ già đến trẻ, đàn ông hay phụ nữ đều có thể chế biến được. Ví như quả cà đắng thì chẻ ra làm tư, ngâm muối một lúc rồi nấu nhừ với cá mắm, thịt. Lá mì trước khi xào phải dùng tay vò nát để bớt đi mùi hăng hắc, đến khi ăn mới có vị béo và ngai ngái đắng. Còn đọt mây, nhất định phải nướng lên, tước ra từng sợi nhỏ, hoặc giã chung với là bép nấu cùng bột gạo… Tất cả những hương vị từ rừng ấy đem lại cho người thưởng thức cảm giác đắng - nồng - ngọt - bùi nơi đầu lưỡi.
Gùi rau rừng ra phố bán, một sinh kế của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ. |
Nhờ hương vị khác lạ và đặc biệt này mà các món ăn trên hiện đang được nhiều nhà hàng, quán ăn sang trọng ghi vào thực đơn dưới nhiều tên gọi cầu kỳ (cà đắng um thịt hộp, thịt ba chỉ và các loại cá; nộm lá mì cuốn bánh tráng; rau rừng chấm kho quẹt; đọt chuối rừng trộn da heo, bột gạo…). Cầm thực đơn trên tay, chắc rằng không thực khách nào là không một lần gọi các món trên để thử. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Khu Du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) chắc một điều như thế và cho biết, để tăng sức cạnh tranh, địa chỉ ẩm thực này đã mời những đầu bếp "tài nghệ" trong buôn Kô Tam, Kmrơng Prông B đến nấu nướng đúng với khẩu vị truyền thống người Êđê nên rất thu hút thực khách tìm đến thưởng thức.
Ngoài Khu Du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn có những địa chỉ nổi tiếng với nhiều món rau, củ quả rừng khác như nhà hàng Bến Nước, Khu sinh thái Akô D’hông, Yang Sing (cuối đường Trần Nhật Duật), nhà hàng Suối Tiên (đường Ngô Quyền), Bến Thượng Hải (đường Đinh Tiên Hoàng), Cây Sung (cuối đường Mai Hắc Đế), Bình Thường Quán (đường Y Ngông) và Bờ Kè (đường Hoàng Hoa Thám)… cũng được nhiều người lựa chọn khi đến vùng đất sở hữu vốn văn hóa ẩm thực phong phú, giàu bản sắc này.
Điều đáng nói ở đây là một khi những món ăn từ các loại rau, củ quả rừng được nhiều người ưa thích, hay nói đúng hơn là đã trở thành hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng nhiều và thường xuyên, thì nhiều gia đình người dân tộc thiểu số tại chỗ đã nhanh nhạy nắm bắt lấy để tạo sinh kế cho mình từ vốn văn hóa ẩm thực truyền thống của ông bà để lại. Amí Tha (buôn Kô Tam) chia sẻ: Một số người ở đây được mời ra phố đứng chân đầu bếp, hàng tháng cũng có thu nhập vài triệu đồng. Còn lại có nhiều gia đình, ngoài công việc nương rẫy ra, họ vào rừng tìm hái các loại rau như dầm tang, hdang re, yam pal, pung yao, lá éh… bỏ mối cho nhà hàng, khách sạn để kiếm thêm thu nhập. Có những nơi như xã Ea Nuôl, Ea Ba (huyện Bôn Đôn), Ea Kao, Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), người dân lập vườn chuyên trồng các loại rau rừng này để bán. Và đây cũng là nguồn sống của nhiều gia đình biết nắm giữ và phát huy vốn văn hóa ẩm thực của các cộng đồng dân tộc tại chỗ trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc