Multimedia Đọc Báo in

Về buôn thưởng thức "Djam băl"

14:33, 06/04/2019

Vào trong thôn, buôn của cộng đồng người Êđê mùa này, du khách được thưởng thức ẩm thực mang hương vị đặc trưng theo mùa của người dân nơi đây; trong đó phải kể đến món “Djam băl” (djam: rau; băl: chát) - một loại rau rừng khá phổ biến ở các địa phương của Đắk Lắk.

Trong dịp đến Đắk Lắk chơi mới đây, nhóm bạn học cũ với tôi ở TP. Hồ Chí Minh đã có những trải nghiệm khó quên khi được ngồi sau rơ-moóc xe máy cày, bon bon băng qua những rẫy cà phê bạt ngàn, bụi bay mù mịt. Đặc biệt hơn cả, nhóm đã được thưởng thức bữa cơm dân dã của người nông dân làm rẫy từ rau rừng có sẵn. Một trong số rau rừng có thể kể đến là “djam băl” - loại rau mà chắc chắn ở các thành phố lớn không có. Trong lúc các bạn khác đang say mê tìm hiểu cách thu hoạch tiêu, tôi cùng với cô bạn Mixu băng qua những hàng cà phê để vào sâu trong rẫy, nơi có những bụi “djam băl” lâu năm mọc thành cụm. Vừa hái tôi vừa chỉ cho Mixu: “Đây chính là “djam băl” mà mình đã giới thiệu với các bạn, dịch nôm na theo tiếng phổ thông là “rau chát”. Sở dĩ gọi là “rau chát” vì khi chế biến, nếu mình nấu chưa chín tới thì nó sẽ có vị chát chát ở đầu lưỡi.” Người ta chỉ hái phần đọt và lá non, bụi nào được hái thường xuyên sẽ ra đọt đều đều.

Chị H’ El Niê với món “djam băl” trong Hội thi ẩm thực Tây Nguyên.
Chị H’ El Niê với món “djam băl” trong Hội thi ẩm thực Tây Nguyên.

Với một ít xương sườn đã ướp sẵn, vài củ nén, một ít dầu ăn… sau khi khử dầu tôi châm nước, đợi sôi, khoảng 15 phút bỏ rau rừng vào, đảo đều rồi nêm thêm gia vị. Xong xuôi, chúng tôi trải lá chuối cùng quây quần thưởng thức bữa trưa đạm bạc nhưng không kém phần hấp dẫn, ngon miệng, ai cũng xuýt xoa khen ngợi. Cô bạn hào hứng bảo: “Thật sự đây là lần đầu mình được ăn món rau rừng này, cách nấu khá đơn giản nhưng lại có vị rất ngon. Mang tên là rau chát, nhưng mình ăn không thấy chát mà thấy ngon và mát, độ ngon càng tăng khi ăn kèm với cà chua bi dằm với muối ớt gừng”.

Tham gia Hội thi ẩm thực Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, chị H’El Niê ở buôn Gram A (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) giới thiệu cho người dân và du khách nhiều món ăn truyền thống của người Êđê như: gà thả vườn nướng, canh cà đắng, lá mì xào, trong đó có món “jam băl” - được nhiều du khách khen ngon, lạ miệng. Chị H’El cho biết, trong cộng đồng người Êđê sinh ra và lớn lên tại buôn làng, hầu như không ai là không biết đến món rau “djam băl” này. Thường ngày chị hay nấu “djam băl” chung với cà đắng hoặc với rau ngót, chùm ngây... nhưng phổ biến nhất vẫn là với cà đắng, sự hòa quyện của các loại hương vị tạo nên vị ngon đặc trưng của món canh khiến cho người thưởng thức nhớ mãi. Nguyên liệu để làm món cà đắng với rau chát bao gồm: cà đắng non, rau chát, xương heo (có thể thay thế bằng xương bò hoặc gà), ớt cùng với các gia vị đi kèm là củ nén, muối, mì chính. Cũng như cách nấu cà đắng thông thường, sau khi đã khử dầu với củ nén phần xương heo được xào qua với chút muối rồi mới bỏ cà đắng và châm thêm nước dùng. Cứ thế khi nào cà đắng gần nhừ thì có thể bỏ rau chát vào đảo qua đồng thời nêm gia vị.

“Djam băl” cùng với nguyên liệu gia vị.
“Djam băl” cùng với nguyên liệu gia vị.

Nếu như trước đây rau chát chỉ mọc ở rừng, trên rẫy thì ngày nay để phục vụ nhu cầu trong đời sống hằng ngày bà con trong các buôn nhổ cây về trồng chăm sóc trong vườn nhà. Từ một loại rau rừng, “djam băl” đã trở thành một trong những món ăn truyền thống của cộng đồng người Êđê trong bữa ăn hằng ngày cũng như đãi khách vào các dịp đặc biệt.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.