Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng món "Canh bồi măng lửa rau ngót rừng" Buôn Đôn

10:00, 27/05/2019

Buôn Đôn không chỉ lừng danh với những câu chuyện săn bắt, thuần dưỡng voi rừng một thời mà còn được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nguyên dược liệu, rau rừng đa dạng từ rừng khộp. Từ đó tạo nên sự phong phú trong ẩm thực của cộng đồng các dân tộc anh em Êđê, M’nông, Lào nơi đây. Trong đó có thể kể đến là món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng”.

Canh bồi măng lửa rau ngót rừng là một trong những món ăn truyền thống của người dân ở khu du lịch Buôn Đôn. Để làm được món canh này đúng “chuẩn vị Buôn Đôn” đòi hỏi người chế biến phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết và có bí quyết nấu.

Anh Y Danh Niê, buôn Jang Lành, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), cho biết: Với người dân sống bên bìa rừng, rừng khộp không chỉ đóng vai trò là lá phổi xanh của Buôn Đôn mà nơi đây còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào theo mùa. Có những loại rau hoặc cá chỉ có ở rừng khộp mà không nơi nào có. Đặc biệt là đầu mùa mưa này măng lửa bắt đầu mọc và phát triển rất nhanh. Sở dĩ người dân ở đây gọi là “măng lửa” bởi sau khi đốt thực bì những cây le trở nên trơ trụi và xơ xác, đến khi gặp thời tiết thuận lợi, mưa xuống chúng bắt đầu nhú măng và tươi xanh trở lại. Thời điểm này bà con vào rừng bẻ măng, hái rau ngót rừng làm các món ăn truyền thống trong đó có “Canh bồi rau ngót rừng”.

Anh  Y Danh Niê trổ tài nấu “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng”  cho khách du lịch.
Anh Y Danh Niê trổ tài nấu “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng” cho khách du lịch.

Nguyên liệu làm món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng” bao gồm măng lửa, rau ngót rừng, một ít gạo đã được ngâm, lá yao, lá keo rừng, xương sườn heo và gia vị cần thiết như củ nén (hành tăm) muối, ớt, bột ngọt. Tất cả các nguyên liệu làm sạch, để tiết kiệm thời gian nấu, phần xương sườn thịt heo được đem hầm trước cho nhừ. Phần gạo ngâm được giã nhuyễn với lá yao (một loại lá tạo màu được dùng trong các món canh bồi của cộng đồng người Tây Nguyên) - đây là một trong những nguyên liệu giúp cho món này lên màu đẹp mắt. Khi phần thịt trong xương đã đến độ chín cũng là lúc bắt đầu bỏ măng lửa đã luộc sẵn vào, tiếp đó cho rau ngót rừng. Khi thấy măng với rau ngót chín cho phần bột gạo đã hòa tan với nước.

Để nồi canh chín đều và không bị vón cục khâu này đòi hỏi người nấu phải chú ý điều chỉnh lửa vừa phải và liên tục khuấy đều tay, đồng thời nêm gia vị. Theo anh Y Danh, điều quan trọng nhất khi làm món này phải làm sao cho có độ cay của ớt mới ngon. Đồng thời trước khi bắc nồi canh xuống không quên bỏ thêm lá keo rừng để tạo mùi thơm đặc trưng - đây chính là bí quyết để nấu món này ngon. Thường món canh bồi rau ngót rừng này được ăn với cơm nóng hoặc dùng không như món súp thông thường.

Chị Lê Tú Anh - khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: "Trong thời gian 3 ngày lưu trú tìm hiểu cuộc sống của bà con tại vùng đất Buôn Đôn tôi đã có nhiều trải nghiệm vô cùng thú vị, nhất là được khám phá ẩm thực trong văn hóa của người dân Buôn Đôn. Trong số các món ăn, tôi đặc biệt ấn tượng về món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng”, có vị ngọt của xương hòa quyện với măng, mùi thơm của lá keo rừng và vị cay nồng của ớt… tạo cho tôi cảm giác vừa ngon, vừa lạ miệng. Món ăn này không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên nơi đây mà còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Nhiều nguyên liệu kết hợp lại với nhau tạo nên một món ăn ngon, đậm vị mang bản sắc riêng. Tôi rất thích điều đó! Không những tôi mà những người bạn nước ngoài đi chung với tôi cũng rất hứng thú và hy vọng sẽ có dịp trở lại nơi đây".

Rau ngót rừng, lá yao... một trong những nguyên liệu để làm món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng”
Rau ngót rừng, lá yao... một trong những nguyên liệu để làm món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng”

Trước đây các món ăn truyền thống của người dân chỉ phục vụ các bữa ăn trong gia đình, tuy nhiên do thị hiếu của khách du lịch nên giờ đây những món ăn dân dã đó đã trở thành đặc sản hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi khi có dịp đặt chân lên mảnh đất Buôn Đôn.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.