Multimedia Đọc Báo in

Hoa Chăm Pa - Biểu tượng con người, đất nước Lào

09:18, 04/05/2019

Nếu như Việt Nam có hoa Sen, Nhật Bản là hoa Anh đào thì người Lào lại chọn loài hoa Chăm Pa tinh khiết làm biểu tượng của đất nước mình.

Ngày 13-4 vừa qua, cộng đồng người Việt gốc Lào tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) tổ chức đón Tết cổ truyền Bun Pi May. Người dân lẫn du khách được tận mắt chứng kiến các nghi lễ trang nghiêm như tắm Phật, thả hoa đăng, buộc chỉ cổ tay, đắp tháp cát… Trong đó điều khiến du khách tò mò, thích thú là những bông hoa Chăm Pa đặt trên chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối thả xuống sông, hoa kết thành dây vòng quanh tượng Phật hay được các thiếu nữ cài hoa lên mái tóc xinh đẹp.

Chỉ tay lên mái tóc cài trâm làm bằng hoa Chăm Pa, chị H’ Chăn Na Hwing (người Việt gốc Lào ở buôn Trí A) cho hay, bông hoa không chỉ tô thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ mà còn thể hiện cho sự may mắn. Nên vào ngày lễ tết, chị thường ngắt hoa cài trâm, làm nước gội đầu để gột rửa đi những phiền toái bụi trần và cầu cho một năm mới bình an, hạnh phúc. Chưa hết, chị H’ Chăn Na Hwing còn hái hoa Chăm Pa ngâm làm nước thơm để tắm Phật cầu an, té nước chúc điều tốt lành trong ngày Tết cổ truyền Bun Pi May.

Hoa  Chăm Pa  kết thành vòng đeo  lên cổ trong Tết  cổ truyền  Bun Pi May 2019 ở xã Krông Na (Buôn Đôn).
Hoa Chăm Pa kết thành vòng đeo lên cổ trong Tết cổ truyền Bun Pi May 2019 ở xã Krông Na (Buôn Đôn).

Hoa Chăm Pa là tên gọi theo tiếng Lào, còn ở Việt Nam, người miền Bắc gọi là hoa Đại, người miền Nam thì gọi là hoa Sứ. Hoa có 5 cánh mềm mại, màu trắng, vàng hoặc đỏ. Các cánh hoa cuộn vào nhau như hình xoáy nước, hương hoa nhẹ nhàng rất dễ chịu. Ông Bun May Lào (buôn Ky A, xã Krông Na) có ông nội là người Lào cho biết, ông đã có lần về thăm quê hương đúng dịp Tết cổ truyền Bun Pi May. Thời điểm này hoa Chăm Pa bung nở, khắp các cung đường đi đâu cũng thấy một màu trắng tinh khôi, cùng hương thơm ngào ngạt thoang thoảng theo cơn gió. Người dân hái hoa trang trí khắp nhà, làm vòng đeo Phật, làm nước hoa vẩy lên vai khách chúc bình an khi họ đến nhà chúc Tết…

Nói về ý nghĩa của hoa Chăm Pa, ông Bun My Lào nói thêm, hoa nở vào tháng Tư, tháng Năm - đúng vào ngày đầu năm mới của người Lào. Hoa có màu sắc tinh khiết, mùi hương thanh nhã thể hiện cho tính cách đôn hậu, thân thiện và mến khách của người dân nên có lẽ vì thế Chăm Pa trở thành quốc hoa của đất nước Lào. Những ngày lễ tết quan trọng, hoa Chăm Pa luôn hiện hữu, tỏa sắc hương thơm ngát. Các cặp đôi người Lào muốn thể hiện tình cảm với đối phương thường hái một cành hoa Chăm Pa tặng nhau, mượn vẻ đẹp của loài hoa này để thể hiện sự thủy chung tha thiết của mình…

Các thiếu nữ người Việt gốc Lào tại Buôn Đôn lấy hoa Chăm Pa làm trâm cài tóc trong ngày Tết cổ truyền Bun Pi May 2019.
Các thiếu nữ người Việt gốc Lào tại Buôn Đôn lấy hoa Chăm Pa làm trâm cài tóc trong ngày Tết cổ truyền Bun Pi May 2019.

Và cứ thế, hoa Chăm Pa đi sâu vào đời sống, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn, đất nước Lào. Để mỗi khi nhắc đến đất nước Lào, nhiều người lại gọi với cái tên thân thương “Vương quốc Hoa Chăm Pa”. Ai đã từng tham gia Tết cổ truyền Bun Pi May sẽ thấy được sự tôn vinh, tình yêu của người Lào dành cho loài hoa này. Không chỉ đại diện cho đất nước Lào, Chăm Pa còn được nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) yêu mến, chọn trồng làm cảnh, cây che bóng mát…

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.