Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ trẻ Êđê: Nặng lòng với văn hóa truyền thống

07:50, 05/05/2019

Không chỉ giỏi việc nương rẫy, nhiều phụ nữ trẻ Êđê ở các thôn, buôn còn rất cần cù, chịu khó và khéo tay, góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc mình nói riêng và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Trước đây, công việc chính hằng ngày của H’Pri Sil Bkrông ở buôn Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) chỉ quanh quẩn với rẫy vườn, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Hơn 3 năm trước H’Pri được các hội viên phụ nữ trong buôn vận động tham gia lớp học dệt thổ cẩm và may công nghiệp tại Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông ở gần nhà. Sau 3 tháng học, H’Pri đã tự tay dệt được các sản phẩm thổ cẩm truyền thống như khăn, mền, váy… với nhiều họa tiết hoa văn đẹp, bắt mắt.

Có nghề dệt, H’Pri giao hẳn việc nương rẫy cho gia đình để chuyên tâm vào khung cửi. Vừa dệt sản phẩm theo nhu cầu của người dân trong vùng, H’Pri vừa nhận thêm đơn hàng từ HTX để có thêm thu nhập. Ngoài nghề dệt, H’Pri còn học thêm nghề may nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ban ngày, H’Pri làm thợ may cho HTX, tối đến vẫn không quên tranh thủ ngồi vào khung dệt để giữ tay nghề.

“Bà và mẹ mình trước đây cũng biết dệt nhưng chỉ để phục vụ nhu cầu của các thành viên trong gia đình nên thỉnh thoảng mới dệt. Giờ bà và mẹ đã có tuổi, mình quyết định thay họ nối nghiệp gắn bó với khung dệt”, H’Pri chia sẻ. Từ khi học nghề dệt - may, H’Pri vừa có được công việc phù hợp với mức thu nhập trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng, lại vừa giữ được nghề truyền thống.

H’Vinh Niê học cách rang cà phê bằng bếp củi từ các bà các mẹ trong buôn.
H’Vinh Niê học cách rang cà phê bằng bếp củi từ các bà các mẹ trong buôn.

Với mong muốn lưu giữ hương vị cà phê rang bếp củi truyền thống của người Êđê, chị H’Vinh Niê (SN 1990, thôn Cư H’lăm, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đã dày công học hỏi bí quyết từ những người lớn tuổi trong buôn. Để rồi giờ đây, những hạt cà phê rang bếp củi ấy không chỉ phục vụ trong gia đình mà còn đưa ra thị trường được nhiều người tin dùng.

Chị H’Vinh cho hay: "Mình vốn sinh ra và lớn lên ở trong buôn nên những gì mộc mạc, giản dị mình muốn giữ lại. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại cà phê từ bình dân đến thượng hạng nhưng bà con ở trong buôn chỉ chung thủy với một loại cà phê duy nhất do chính bàn tay họ trồng và chăm sóc. Đó là thành quả của những người nông dân chân chất nên người ta hết sức trân quý".

Có lẽ bởi thế mà người dân trong vùng chỉ ưa chuộng mỗi loại cà phê rang mộc này. Không chỉ quen với nếp sống thức dậy bên bếp lửa, nhâm nhi ly cà phê nóng mỗi sớm mà nhiều gia đình người Êđê tại các thôn, buôn coi đây là một nét văn hóa đặc trưng.

H’Pri Sil Bkrông bên khung dệt.
H’Pri Sil Bkrông bên khung dệt.

Khác với H’Pri và H’Vinh, chị H’Thing Niê Kdăm (SN 1992, ở buôn Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) lại chọn khởi nghiệp với rượu cần. Chứng kiến việc ủ rượu cần ở trong buôn ngày càng ít dần, H’Thing bàn với chồng quảng bá sản phẩm rượu cần nhà làm trên mạng xã hội. Tưởng rằng chỉ giới thiệu cho vui nhưng H’Thing đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.

H’Thing phấn khởi tâm sự: "Thật bất ngờ là ngay từ lúc mới đăng bài mình đã nhận được kha khá đơn đặt hàng từ bạn bè trong và ngoài tỉnh. Những phản hồi tích cực từ khách hàng chính là động lực để mình tiếp tục cố gắng cho ra những mẻ rượu thơm ngon hơn".

Từ việc dệt thổ cẩm, quảng bá cà phê rang mộc, ủ rượu cần truyền thống đã giúp các bạn trẻ dân tộc thiểu số trong các thôn, buôn tự chủ về kinh tế và thêm phần yêu giá trị văn hóa vốn có của cộng đồng mình.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.