Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm với... chăn voi

09:02, 27/05/2019

Không quản nắng mưa vất vả, những nài voi của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn ngày ngày vẫn băng rừng vượt suối theo chân những chú voi nhà trong hành trình đưa chúng về với rừng...

6 giờ sáng, khi mặt trời vừa ló dạng, Y Mức K’doh đã chuẩn bị xong thức ăn, nước uống vào túi, treo lên chiếc xe máy cũ kỹ vội vàng rời khỏi nhà hướng thẳng về khu rừng cách xa khoảng 10 km. Ở đó đang có một “tri kỷ” mong ngóng anh đến để dẫn nó đi tìm thức ăn, nước uống cho ngày mới. Vượt qua những lối mòn quanh co trong rừng VQG Yok Đôn, anh chọn một gốc cây lớn gần suối để chiếc xe, cầm theo túi thức ăn tiến đến lùm cây phát ra những tiếng sột soạt.

Nghe thấy tiếng động, voi Y Khun xoay đầu ngó nghiêng. Nhận ra Y Mức, voi vui mừng ra mặt. Nó đung đưa cái vòi nghịch ngợm khắp người Y Mức. Tháo sợ dây xích buộc voi ở gốc cây, Y Mức dẫn voi ra suối. Mới đầu mùa mưa, nước chưa nhiều nên anh phải dẫn voi đi xa cả cây số mới tìm được chỗ nước trong cho Y Khun uống. “Con voi này kén lắm! Nó chỉ uống ở những nơi nước trong, không bị con vật nào tắm hay vệ sinh lên đó. Vào mùa khô nguồn nước hiếm, có khi phải di chuyển vài cây số mới tìm thấy chỗ nước ưng ý của nó”, anh Y Mức kể.

Nài voi Y Mức K’doh và voi Y Khun trong rừng của Vườn Quốc gia  Yok Đôn.
Nài voi Y Mức K’doh và voi Y Khun trong rừng của Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Sau khi đã uống và nghịch nước thỏa thích, Y Khun thong thả đi lên khoảnh rừng phía trước, đưa vòi vặt lấy những bụi cỏ non, những chồi măng mới nhú sau những cơn đầu mùa đưa lên miệng nhai ngon lành. Y Mức ngồi xuống bên gốc cây, châm điếu thuốc phả khói ngắm con voi nhởn nhơ, ung dung kiếm ăn...

Năm 2008, Y Mức được VQG Yok Đôn giao nhiệm vụ chăm sóc và điều khiển voi Y Khun chở khách du lịch tham quan trong Vườn. Thời điểm đó, ban ngày anh cưỡi Y Khun quanh quẩn ở khu vực đón khách cưỡi voi của Vườn, đến tối thì tìm chỗ nào có thức ăn để buộc voi vào đó. Do tuổi cao, thời gian kiếm ăn hạn chế nên sức khỏe của Y Khun yếu theo thời gian.

Tháng 7- 2018, khi VQG Yok Đôn không còn bắt voi chở khách nữa mà chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi (du khách quan sát voi sinh sống trong rừng), cuộc sống của Y Khun và Y Mức đều thay đổi. Từ chỗ ngày nào cũng ngồi vắt vẻo trên lưng Y Khun thì giờ đây, ngày ngày bất kể nắng mưa, Y Mức đều phải vào rừng tìm địa điểm nhiều thức ăn, nước uống cho voi.

Y Mức kể: Vào mùa khô, rừng khộp khô cháy, thức ăn của voi trở nên khan hiếm. Để kiếm được nơi có thức ăn cho Y Khun, có hôm anh phải đi bộ hàng chục cây số. Và phần thưởng cho hành trình gian khổ ấy của anh là ánh mắt mừng rỡ của voi Y Khun khi được thưởng thức những thứ cây lá mà mình yêu thích, là được thấy voi ngày càng mập mạp, khỏe mạnh hơn.  

Bà Dion Slaughter, chuyên gia phúc lợi về voi của Tổ chức Động vật Châu Á (đơn vị tài trợ VQG Yok Đôn thực hiện mô hình chuyển đổi mô hình từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện voi) cho biết, voi là loài kén chọn thức ăn, khi thả vào trong tự nhiên nó cũng thường lựa chọn một số loại thức ăn mà nó ưa thích, do đó nài voi phải hiểu rõ tính cách của con voi mà mình chăm sóc để tìm được những khu vực có thức ăn, nước uống cho chúng.

Đến nay, 4 nài voi quản lý 4 cá thể voi trong khuôn khổ của mô hình đã và đang xây dựng được mối quan hệ tin tưởng tốt đẹp với nhau. “Việc voi được tự do đi lại kiếm ăn trong thiên nhiên hoang dã, cộng với sự chăm sóc hỗ trợ của của các nài voi đã giúp voi nhà có những thay đổi tích cực. Sau một thời gian sống tự do trong rừng, 4 con voi đã mập hơn, da không bị mắc các bệnh về ký sinh trùng. Voi được đi trên nền đất, không phải đứng lâu một chỗ, di chuyển trên nền đường xi măng, nhựa cứng nên không còn bị nứt chân… Có thể khẳng định những con voi nhà này đang có cuộc sống vô cùng hạnh phúc”, bà Dion Slaughter chia sẻ.

Ngày 13-7-2018, Tổ chức Động vật Châu Á và VQG Yok Đôn ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi (ngắm voi trong thiên nhiên hoang dã). Tổ chức Động vật Châu Á sẽ hỗ trợ khoản kinh phí 65.000 USD cho VQG Yok Đôn để triển khai mô hình này trong khoảng thời gian từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2023.

Bảo Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.