Dấu ấn văn nghệ kháng chiến nơi vùng Đất Tổ
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, vùng đất trung du Phú Thọ là nơi dừng chân đầu tiên của đội ngũ văn nghệ sĩ trong thời kỳ “nhận đường”, mang ngòi bút của mình phục vụ cách mạng...
Năm 1948, trước yêu cầu của cách mạng và cuộc kháng chiến chống Pháp, một đoàn văn nghệ sĩ lên đường, hành trình về Việt Bắc và dừng chân ở thôn Chu Hưng - một thôn nhỏ của vùng quê Ấm Hạ (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ở mảnh đất này, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ trong thời kỳ đầu “nhận đường” như: nhà thơ Tố Hữu cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các văn nghệ sĩ: Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát… đã dừng chân cho một hành trình dài lên Việt Bắc.
Trong giai đoạn ấy, tại mảnh đất Chu Hưng bình dị, những tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc… lần lượt ra đời: "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng, "Vượt lên bão táp" của Nam Cao, "Phố mới" của Kim Lân, "Dãy người" - thơ của Nguyên Hồng, "Vỡ tỉnh" của Tô Hoài, "Nhận đường" - tùy bút của Nguyễn Đình Thi, "Núi yên ngựa" của Ngô Tất Tố, "Văn Lỗ Tấn" của Phan Khôi dịch…
Gia đình cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bên bia trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Phú Thọ. |
Chu Hưng là nơi nhà thơ Tố Hữu thường lui tới để sáng tác thơ, là nơi đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Bắc. Lớp nhạc do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dạy ở đầm Ao Châu (Ấm Thượng, Hạ Hòa) cũng thường đến Chu Hưng biểu diễn. Vào các ngày 23, 24, 25-7-1948 tại khu 1 xã Yên Kỳ (Hạ Hòa, Phú Thọ), 80 văn nghệ sĩ trên cả nước đã về dự Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đại biểu dự đại hội gồm có Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tỵ, Võ Liên Sơn, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Đôn, Chu Ngọc, Xuân Sanh, Hải Triều… Đại hội đã bầu 17 người vào Ban Chấp hành; Ban Thường vụ có Nguyễn Tuân - Tổng thư ký, Tố Hữu - Phó Tổng thư ký.
Ngôi nhà mà các nhà văn chọn để ở trọ trong những ngày dừng chân ở Phú Thọ là nhà bà cụ Nguyễn Thị Gái ở thôn Gốc Gạo, xã Gia Điền (Hạ Hòa). Khi các văn nghệ sĩ đến ở, bủ Gái đã dọn xuống bếp để nhường giường và không gian nhà trên cho khách. Cũng từ chính ngôi nhà mái cọ bình yên này, vào khoảng thời gian ấy, bài thơ “Bầm ơi” đã được ra đời.
Theo lời kể của những người già trong thôn Gốc Gạo, ngày ấy, bủ Gái ban ngày lên nương trồng sắn, trồng đỗ hay xuống ruộng cấy lúa; tối về, bủ dùng lá chuối khô bện lại làm đệm nằm cho đỡ lạnh. Nhưng cứ đêm đêm, các nhà thơ lại nghe tiếng khóc nhỏ của bủ Gái từ phía bếp. Đêm nào cũng như thế. Các nhà thơ lần hỏi mãi bủ Gái mới tâm sự rằng do bủ nhớ đứa con trai đi vệ quốc quân lâu ngày không thấy thư từ tin tức gì về. Các nhà văn, nhà thơ mới đề nghị nhà thơ Tố Hữu sáng tác một bài thơ và giả làm bức thư của con trai bủ Gái để an ủi lòng bủ.
Nhà thơ Tố Hữu nhận lời và sáng tác liền bài thơ “Bầm ơi” với những câu từ đầu tiên như lời bức thư của đứa con gửi cho bầm của mình từ mặt trận: “Ai về thăm mẹ quê ta/Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn…”. Khi bài thơ sáng tác xong, nhà thơ Tố Hữu đọc cho bủ Gái nghe và nói rằng đây chính là thư của con trai bủ gửi về từ chiến trường. Tin vậy, bủ Gái mừng lắm, không còn khóc thầm vào mỗi đêm. Ngày nào bủ Gái cũng nhờ nhà thơ Tố Hữu đọc lại bài thơ trên cho nghe ít nhất là một lần. Về sau, bài thơ “Bầm ơi” được truyền đi khắp các chiến trường và các chiến sĩ đã chép bài thơ này vào lá thư gửi cho mẹ của mình ở quê nhà như một lời báo tin rằng ở chiến trường họ vẫn bình yên.
Cảnh sắc vùng quê trung du Gia Điền - nơi ra đời bài thơ “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu. |
Cùng với hành trình lên Việt Bắc và dừng chân ở thôn Chu Hưng, gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh đã ở lại miền đất này trong chín năm kháng chiến. Tại đây, bà Khánh đã sinh hạ ba người con trai, trong đó, vào ngày 17-4-1948, cậu bé Lưu Quang Vũ cất tiếng khóc chào đời nơi miền quê trung du ấm áp và bình dị. Kháng chiến thành công, năm 1954 gia đình Lưu Quang Vũ trở về Hà Nội sau nhiều năm sống gắn bó với mảnh đất này. Thời kỳ đầu sáng tác, Lưu Quang Vũ đã lấy tên địa danh thôn Chu Hưng làm bút danh của mình.
Năm 1964, khi mới 15 tuổi, Lưu Quang Vũ sáng tác bài thơ “Thôn Chu Hưng” để ghi lại những cảm xúc khó quên về ký ức tuổi thơ trên mảnh đất trung du đầy nghĩa tình. Bài thơ được in trang đầu trong tập “Hương cây - Bếp lửa” in chung với nhà thơ Bằng Việt. Khung cảnh Chu Hưng hiện lên hết sức đẹp, bình dị và lãng mạn: "Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao".
Năm 1965, Lưu Quang Vũ cùng cha là nghệ sĩ Lưu Quang Thuận trở lại Chu Hưng, thăm lại mảnh đất xưa và tìm gặp những người đã từng chở che mình thuở nhỏ. Cũng vào thời gian này, những trang nhật ký về mảnh đất Gia Điền, Chu Hưng, Ấm Hạ đã được nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ ghi lại đầy xúc động về ngày trở lại mảnh đất nghĩa tình.
Vùng đất Phú Thọ hôm nay đang thay da đổi thịt. Vẫn còn đó cảnh sắc đặc thù của miền đất trung du bình dị, những con đường đất đỏ, loáng thoáng những mái nhà tranh, rừng chè đồi cọ. Và vẫn còn đó với dấu mốc thời gian, những tấm bia lưu niệm ghi dấu như để nhắc nhở thế hệ trẻ luôn tự hào về quê hương mình đồng thời có ý thức giữ gìn và tiếp nối “dấu chân” những nghệ sĩ một thời.
Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc