Tôn trọng không gian xanh đô thị Buôn Ma Thuột (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Thực trạng không gian xanh Buôn Ma Thuột
Trong quá trình phát triển, Buôn Ma Thuột đặc biệt chú trọng đến yếu tố không gian xanh trong lòng đô thị với vai trò tương tác, tạo điểm nhấn và kết nối tổng thể trong việc phân vùng quy hoạch, chỉnh trang đô thị theo yêu cầu, mục đích đặt ra.
Không gian xanh ở đây được hiểu là những cánh rừng trong phố, trong các buôn làng cùng với hệ thống sông suối, ao hồ tự nhiên vốn có của Buôn Ma Thuột. Đến nay, trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các yếu tố này không được quan tâm đúng mức.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, ở khu vực trung tâm, bao gồm những khu phố cũ cũng như mới được kết nối theo hai trục chính Đông - Bắc và Tây - Nam đã được định hình rõ nét và đang trên đà mở rộng từng ngày, vẫn tồn tại tình trạng chủ đầu tư các công trình bất chấp quy hoạch lẫn chế tài được chính quyền sở tại ban hành trong lĩnh vực xây dựng khiến cảnh quan, kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột có lúc, có nơi bị phá vỡ một cách đáng kinh ngạc.
Dễ thấy nhất là những cánh rừng trong phố như Akô Dhông (phường Tân Lợi), Đồi 19-5 (Ea Tam), Đồi Thủy Văn (Tân Lập), rừng phòng hộ Ea Nao (xã Ea Tu)... đã bị san ủi, triệt hạ để nhường chỗ cho các công trình xây dựng mọc lên. Đặc biệt là không gian xanh tại nhiều buôn làng truyền thống được cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ kiến tạo nên - bao gồm rừng đầu nguồn, bến nước đã bị thu hẹp và biến mất nhanh chóng trước “cơn lốc” đô thị hóa diễn ra.
Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong số 33 buôn hiện có trên địa bàn, chỉ còn khoảng 10 buôn gìn giữ được một phần yếu tố không gian xanh nói trên, còn lại đều biến thành những khu phố mới với nhà cửa được “bê tông hóa” san sát.
Dọc bãi bồi suối Ea Nao đã có những công trình phục vụ du lịch mọc lên, tôn tạo không gian xanh cho thành phố Buôn Ma Thuột. |
Theo ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng, không gian đô thị Buôn Ma Thuột trong quy hoạch năm 1998 về cơ bản đã được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên, hướng phát triển của nó chủ yếu về phía Bắc và Đông - Bắc, còn khu vực phía Nam và Đông - Nam hình như chưa được quan tâm cho việc phát triển. Hiện hướng phát triển này đang vượt ra khỏi đồ án quy hoạch vào thời điểm trên, nhất là tại các phường Tân An, Tân Hòa, xã Ea Tu và Hòa Thắng đã cho thấy sự bất cập trong quy hoạch, xây dựng do thiếu sự tôn trọng không gian xanh tự nhiên vốn có. Bằng cứ là bên cạnh việc đánh đổi những khu rừng sinh cảnh dọc Quốc lộ 14, 27 đi qua thành phố và một số hồ, suối như Ea Nao, Kô Tam, Ea Tul… để xây mới nhiều công trình, hạng mục phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội hay dân sinh không chỉ làm cho không gian xanh ở đây bị xâm hại, mà còn kéo theo ít nhất 5 - 7 buôn làng bị biến dạng khiến đặc thù địa lý, nhân văn, lịch sử và văn hóa của vùng đất này trở nên nhạt nhòa.
Còn nhớ tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” được UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức vào những ngày đầu tháng 6-2017, nhiều chuyên gia cho rằng, kiến tạo không gian xanh cho đô thị không chỉ dừng lại ở việc trồng cây xanh, xây dựng các công - lâm viên, mà còn phải tận dụng và khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, văn hóa để mang lại diện mạo đặc thù. Với đô thị Buôn Ma Thuột, cần tăng cường hơn nữa không gian mở là hành lang xanh, điểm kết nối xanh tại các công trình công cộng sao cho hài hòa với tổng thể chung nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng.
Theo Phòng Quản lý đô thị, đến nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có gần 0,5 triệu cây xanh được trồng, hơn 20 công viên, hoa viên lớn nhỏ được xây dựng với diện tích khoảng 17 ha. Đến năm 2025, kế hoạch đặt ra phải bổ sung thêm gần 350 ha cho công viên, hoa viên tại các khu đô thị mới như Tân An, Tân Hòa, Ea Tam, Khánh Xuân, Ea Tu, Ea Kao và Hòa Thắng. Đặc biệt là dọc các con suối trong lòng đô thị, phải nhanh chóng khảo sát, quy hoạch và xây dựng mới các tiểu vùng không gian xanh với diện tích ít nhất 30 ha.
Hiện quỹ đất thuận lợi cho xây dựng chỉ chiếm khoảng 60% tổng diện tích thành phố. Do vậy vấn đề chọn đất phát triển đô thị sắp tới là bài toán đặt ra không chỉ với quy hoạch sử dụng đất toàn cục, mà cần quan tâm đến từng khu vực, dự án cụ thể, nhất là các khu đô thị mới phát triển, mở rộng - nơi mà quỹ đất thuận lợi đã hết. Vì vậy, sự quan tâm và tôn trọng đặc thù địa lý, nhân văn cần phải được chú trọng. (Khuyến cáo của Sở Xây dựng trong Đồ án Phát triển đô thị Buôn Ma Thuột đến năm 2025). |
(Còn nữa)
Đình Đối
Kỳ cuối: Đừng quay lưng với các dòng suối
Ý kiến bạn đọc