Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ Tăm Blang M'prang Bon của người M'nông Preh

11:16, 10/08/2019

Mới đây, bà con M’nông ở bon Ja Rah (xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã tổ chức lễ Tăm Blang M'prang Bon truyền thống (tức lễ hội trồng cây Blang rào bon) tại nhà văn hóa cộng đồng bon.

Ông Y Xuyên, trưởng bon Ja Rah cho biết, lễ hội trồng cây Blang rào bon xuất phát từ truyền thuyết xa xưa của tộc người M’nông Preh ở Đắk Nông. Ông bà xưa kể rằng, thuở hồng hoang có bộ tộc tên là Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người. Chúng hay vào bon làng quấy phá, bắt người nhất là phụ nữ và trẻ em. Mỗi khi bị ma rừng tấn công, người dân trong bon liền kéo nhau vào rừng ẩn nấp dưới bóng cây Blang.

Con ma rừng không sợ bất cứ thứ gì nhưng khi nhìn thấy loại cây có lớp vỏ sần sùi màu đỏ thẫm chứa nhiều gai nhọn mà người dân Tây Nguyên gọi là cây Blang (Pơ-lang, miền Bắc gọi là cây gạo) thì lập tức biến mất. Từ đó, người M’nông tin rằng Blang là cây thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh sẵn sàng bảo vệ, che chở dân làng. Vậy là cứ 3- 5 năm một lần, người dân lại tổ chức lễ hội trồng cây ngăn ma rừng xâm nhập phá hoại bon làng. Cây Blang có sức sống mãnh liệt, chỉ cần một lớp vỏ khô vùi xuống đất cũng đâm chồi nảy lộc.

Người dân bon Ja Rah làm món gà nướng.
Người dân bon Ja Rah làm món gà nướng.

Lễ Tăm Blang M'prang Bon thường tổ chức vào mùa khô, khi dân làng thu hoạch xong mùa vụ. Trước kia, lễ vật cúng Yàng (thần linh) do người dân mang đến. Ai có gì góp nấy từ con gà, gạo, hoa trái, rau lá... Bây giờ, mọi người thường góp tiền rồi đi sắm lễ cho tiện. Thời gian diễn ra lễ hội cũng được gói gọn trong 1 ngày thay vì 2-3 ngày như trước.

Lễ Tăm Blang M'prang Bon trải qua 3 lần cúng. Lần đầu tiên vào buổi sáng sớm trước ngày diễn ra lễ chính, các già làng, nghệ nhân tham gia lễ hội sẽ làm lễ cúng ở nhà xin phép thần linh cho dựng cây nêu, đồng thời báo cáo ông bà tổ tiên biết trong bon làng sắp tổ chức lễ hội. Lễ cúng lần hai vào buổi chiều sau khi già làng cùng thanh niên trong bon dựng hàng rào, trồng cây Blang trước nhà văn hóa cộng đồng.

Lễ vật dâng thần linh gồm: 1 ché rượu cần, một cành cây Blang, 1 con gà (hoặc heo), máu gà (hoặc heo), 1 chén cơm trắng, 3 quả cà, gạo, ớt xanh, ống đựng rượu cần, đèn sáp ong và than quấn bông gòn đặt cạnh cây Blang vừa trồng. Lễ cúng cuối cùng được tổ chức vào chiều tối khi dân làng tập trung đầy đủ.

Giữa đất trời, trước cây nêu cao to có đặt đầy đủ lễ vật, già làng Ama Xênh khấn bằng tiếng M’nông với nội dung: "Hỡi các thần linh, ngày hôm nay tại nơi này, chúng con xin các thần linh hãy chứng giám làm lễ trồng cây Blang rào bon. Chúng con trồng cây Blang này xin các thần linh hãy chăm sóc cho cây tươi tốt để bảo vệ bon làng, bảo vệ chúng sinh không bệnh tật, ốm đau...".

Khấn xong, già dùng ngọn đuốc châm vào đống củi chất sẵn trước sân để kết thúc phần lễ. Ngọn lửa thiêng rực sáng cả vùng trời như một tín hiệu sự cho phép của thần linh. Tiếng cồng chiêng vang lên, người dân hòa mình vào “bữa tiệc” âm nhạc đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên. Các Ama, Amí ngày thường lam lũ nương rẫy nay hội về họ trở thành những nghệ nhân chơi cồng chiêng, hát dân ca, thổi M’buôt điệu nghệ. Còn những chàng trai cô gái nắm tay nhún nhảy theo điệu xoang vây quanh ngọn lửa trại.

Điệu xoang trong đêm hội Tăm Blang M'prang Bon .
Điệu xoang trong đêm hội Tăm Blang M'prang Bon .

Trời về khuya, đêm hội Tăm Blang M'prang Bon càng sôi động, thú vị. Người người thay nhau vít cần rượu thưởng thức món cơm lam, thịt heo, gà nướng. Men rượu vào càng làm cho họ thêm thăng hoa, cháy hết mình với đêm lễ hội vài năm mới tổ chức một lần.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.