Multimedia Đọc Báo in

Lễ cúng mừng lúa mới của người Gia Rai

08:41, 31/08/2019

Khi cây lúa trên rẫy bắt đầu cho thu hoạch những hạt đầu tiên của mùa vụ, cũng là lúc người dân tộc Gia Rai ở xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) náo nức với Lễ cúng mừng lúa mới...

Một ngày cuối tháng Tám vừa qua, từ sáng sớm, người dân buôn Treng, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) trong trang phục truyền thống đã tập trung đông đủ về Nhà cộng đồng. Tại đây, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với UBND huyện Ea H’leo tổ chức phục dựng Lễ cúng mừng lúa mới của người Gia Rai.

Lễ cúng mừng lúa mới có 4 phần chính là: cúng hồn lúa tại rẫy, đưa hồn lúa về chòi, cúng mừng lúa mới và lễ ăn cơm mới. Ngay từ sáng sớm, chủ nhà cùng các thành viên và thầy cúng ra ruộng để thực hiện nghi thức cúng hồn lúa tại rẫy. Những thanh niên, thanh nữ khỏe mạnh sau mỗi lời khấn của thầy cúng, cẩn thận vuốt từng bông lúa, không làm cây lúa bị đau, thần lúa mới ở lại với gia chủ. Sau khi thu hoạch những hạt lúa đầu tiên, thầy cúng đặt các lễ vật về phía Đông và thực hiện nghi thức rước lúa với mong muốn mùa rẫy mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tiếp đó, thầy cúng mời người phụ nữ là chủ ruộng lúa uống rượu cần. Theo phong tục, người uống phải say, rượu cần phải cạn thì vụ mùa năm sau sẽ càng nhiều lúa.

Thanh niên Gia Rai lựa chọn và vuốt những bông lúa đẹp nhất để thực hiện nghi thức cúng mừng lúa mới.
Thanh niên Gia Rai lựa chọn và vuốt những bông lúa đẹp nhất để thực hiện nghi thức cúng mừng lúa mới.
 

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ VH-TT&DL đưa nghệ nhân của một số buôn có thể phục dựng tốt những nghi thức, nghi lễ ra Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Hà Nội) để trình diễn, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế biết đến nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk”.

 

 
Ông Đặng Gia Duẩn,  Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL

Ở phần lễ rước hồn lúa về kho, người dân trong buôn tập trung giã gạo, lựa ra những hạt gạo tốt nhất, chuẩn bị đầy đủ lễ vật để thực hiện nghi thức cúng các vị thần linh ở kho lúa mới, tạ ơn thần Đất - Trời, Núi - Rừng. Tiếp đó là Lễ cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng với đầy đủ các lễ vật gồm: cơm lúa mới, rượu cần, heo, gà... cùng các bài khấn niệm cầu mong mọi người sức khỏe, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu… Sau khi cúng xong, thầy cúng mời người nữ, chủ ruộng lên uống rượu cần. Phần lễ vật và rượu cần còn lại được chia cho những người được mời tham dự....

Bên cạnh các phần lễ được tổ chức bài bản, đúng nghi thức, năm nay người dân buôn Treng còn háo hức tham gia phần Hội với các nội dung sôi nổi như: biểu diễn cồng chiêng "Mừng lúa mới được mùa", kết hợp với những điệu múa xoang đầy uyển chuyển trong "Mọi người ơi, hòa cùng nhịp xoang Gia Rai"… do chính các nghệ nhân trong buôn trình diễn.

Ông K’Pak Y Chua, trưởng buôn Treng chia sẻ: “Được ngành Văn hóa quan tâm phục dựng lại Lễ Cúng mừng lúa mới truyền thống, người dân trong buôn mừng lắm. Đây là nghi lễ không chỉ đơn thuần là sinh hoạt tâm linh truyền thống nhằm tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu, mà còn là dịp để đồng bào vui chơi, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, góp phần giáo dục con cháu bảo tồn nét văn hóa truyền thống…”.

Thầy cúng đọc lời khấn cầu mong một năm mưa thuận gió hòa tại Lễ cúng mừng lúa mới.
Thầy cúng đọc lời khấn cầu mong một năm mưa thuận gió hòa tại Lễ cúng mừng lúa mới.

Lễ cúng mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn nói chung và người Gia Rai nói riêng, với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của các thần linh (Yang) ban cho dân làng và cầu mong các thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc.

Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian qua, Sở rất cố gắng để tái hiện, phục dựng các nghi thức, nghi lễ đã bị mai một hoặc không có điều kiện tổ chức thường xuyên trong cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng ngành Văn hóa không thôi thì chưa đủ mà cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành liên quan và đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có thể tái hiện, phục dựng những nghi thức, nghi lễ của dân tộc mình. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả và thiết thực để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Gia Thịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.