Multimedia Đọc Báo in

Bến nước Ea Sah - "Nàng tiên" chưa tỉnh giấc

09:38, 15/09/2019

Bến nước Ea Sah (buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) được đồng bào Êđê nơi đây bảo vệ vẹn nguyên từ bao đời nay. Bến nước không chỉ là nơi hội tụ sức sống của cả buôn làng, nơi gặp gỡ của những nam thanh nữ tú trong làng mà còn là nơi chứa đựng tín ngưỡng tâm linh của cả cộng đồng từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Bến nước Ea Sah nằm cách trung tâm huyện Cư M'gar khoảng 14 km về hướng Bắc. Với bà con khắp các buôn làng gần xa, lâu nay Ea Sah không chỉ nổi tiếng trong sử thi Đăm Di qua lời kể của các già làng mà còn được bà con buôn Sah B gìn giữ vẹn nguyên như ngày đầu lập làng. Theo lời kể của già làng Y M’Lích Niê Siêng ở buôn Sah B, cũng như các buôn làng khác, bà con buôn Sah trước khi muốn lập làng thì điều đầu tiên là phải tìm nguồn nước.

Nơi nào nguồn nước dồi dào, trong lành, phục vụ nhu cầu cho cả cộng đồng thì nơi đó sẽ được các già làng, người có uy tín chọn để làm bến nước cho buôn. Bến nước Ea Sah cũng được chọn và hình thành nên buôn làng từ đó. Bến nước Ea Sah có từ trước năm 1945, cho đến bây giờ bến nước vẫn giữ được nguyên thủy như vốn có. Để bảo vệ bến nước, vào ngày 15 hằng tháng bà con trong buôn cùng nhau tập trung về đây phát dọn cây dại, tu sửa lại ống dẫn nước. Hằng năm, bà con buôn làng sẽ cùng nhau nạo vét kênh mương, quét dọn sạch sẽ các tuyến đường đi xuống bến nước.

Vẻ đẹp hoang sơ của bến nước Ea Sah.
Vẻ đẹp hoang sơ của bến nước Ea Sah.

Theo quan niệm của người Êđê, thần nước là một trong những vị thần tối cao, mang đến cho bà con buôn làng sự chở che, sức khỏe để chống lại những thế lực xấu, bệnh tật. Thần nước đem đến cho buôn làng mùa màng tươi tốt, sự ấm no hạnh phúc. Anh Y Tiếp Niê, Bí thư Chi bộ buôn Sah B cho biết, bất cứ ai đã đến bến nước thiêng của người Êđê thì đều phải rửa mặt và uống một vài ngụm nước mới được về. Đó là "lệ" thể hiện sự mến khách của buôn làng cũng như để bà con buôn làng xin thần linh che chở và chúc phúc cho người uống và gia đình nhiều sức khỏe, bình an. Hiện nay, rất nhiều gia đình trong buôn có nước giếng khoan nhưng hằng ngày vẫn ra bến nước gùi từng bầu nước mát về nhà để dùng vì họ tin rằng, uống nước lấy từ bến nước của buôn sẽ được thần nước che chở và ban cho sức khỏe. Do đó, việc bảo vệ bến nước được bà con coi trọng như chính bảo vệ tính mạng của mình, không ai dám chặt cây gỗ lớn, xâm hại bến nước của buôn.

Với 98% dân tộc tại chỗ sinh sống, bến nước Ea Sah không chỉ là bến nước thiêng của riêng buôn Sah B mà còn của nhiều buôn làng khác thuộc xã Ea Tul và các địa phương lân cận.

Theo anh Y Tiếp, ai muốn đi thăm bến nước, xuống gùi nước đều được người dân nơi đây dặn dò phải có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp cho bến nước. Thứ hai, khi xuống bến nước thì không chửi thề hoặc sử dụng ngôn ngữ không đúng với sự thiêng liêng của bến nước. Buôn Sah B luôn tuyên truyền những hộ dân có đất ở đầu bến nước không được xịt thuốc, không dùng phân hóa học nhiều. Còn đối với thuốc trừ sâu, đầu bến nước tuyệt đối không ai được xịt vì đã có hương ước, quy ước của buôn quy định. Nếu ai bị phát hiện xịt thuốc sẽ bị buôn xử phạt... 

Thiếu nữ Êđê bên bến nước Ea Sah.
Thiếu nữ Êđê bên bến nước Ea Sah.

Chủ tịch UBND xã Ea Tul Bùi Trọng Nghĩa cho biết, để giúp bà con buôn Sah B thuận lợi trong việc đi lại, gìn giữ, bảo vệ bến nước cũng như gùi nước sinh hoạt, mới đây UBND huyện Cư M’gar đã đầu tư đường bê tông xuống tận bến nước. UBND huyện cũng đã cử đoàn công tác xuống đánh giá bến nước Ea Sah để đăng ký với tỉnh đưa vào chuỗi du lịch trên tuyến Buôn Ma Thuột - Buôn Đôn - Cư M’gar. Xã đã giao cho buôn giữ gìn bến nước và cố gắng phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng. Với những tiềm năng đang có, xã sẽ khôi phục lại tục cúng bến nước cũng như xúc tiến quảng bá dệt thổ cẩm để đưa đời sống kinh tế của người dân ngày càng đi lên.

Hy vọng với những nỗ lực của huyện Cư M’gar và của tỉnh, tiềm năng của bến nước Ea Sah sẽ được đánh thức, để Ea Sah trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương khi tới với vùng đất Đắk Lắk huyền thoại.

Hùng Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.