Lễ cúng chặt hạ cây của người Êđê
Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Êđê ở Đắk Lắk từ xưa đã dùng gỗ từ cây rừng để tạo ra nhiều vật dụng trong gia đình như ghế kpan, giường phản, cột nhà, cầu thang… Tuy nhiên, việc sử chặt hạ cây rừng của đồng bào đều phải tuân theo những quy tắc nhất định để giữ rừng...
Theo phong tục của người Êđê, trước khi chặt hạ một cây cổ thụ, gia chủ hoặc người trông coi rừng cây phải làm lễ cúng để xin các thần phù hộ cho việc chặt hạ cây được an toàn may mắn, gỗ của cây thật đẹp để có thể làm được nhiều vật dụng trong nhà. Trong lễ cúng, thầy cúng thay mặt gia chủ thực hiện nghi thức cúng thần Rừng, thần Núi, thần Sông, xin các thần cho phép gia chủ được đốn, hạ cây gỗ.
Theo thầy cúng Aê Lê (ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), đối với người Êđê, đây là việc làm thể hiện sự tôn trọng các loài cây bởi mỗi cây đều có thần linh ngự cai quản, phải được sự cho phép của các thần thì cây được chặt hạ mới có giá trị lâu bền. Ông Aê Lê nói: “Những cây cổ thụ không được tự ý chặt hạ đâu. Phải làm lễ cúng bởi gỗ này sẽ được dùng làm giường phản, ghế kpan nên phải thịt con heo để cầu mong thân cây cho gỗ tốt không bị mục, rỗng, giữ được bền lâu, thân cây khi chặt hạ, đổ xuống cũng an toàn, không gây họa đổ đè những vật khác”.
Với ý nghĩa này, để tái hiện lại nghi lễ của người Êđê ở địa phương, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mời thầy cúng và các nghệ nhân làm lễ cúng trước khi chặt hạ cây long não cổ thụ bị chết trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại tại TP. Buôn Ma Thuột.
Tái hiện lễ cúng hạ chặt cây tại Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột). |
Để thực hiện lễ cúng, gia chủ sẽ chuẩn bị một sạp nhỏ bằng tre để đựng lễ vật, một cột rượu; một con heo đực, rượu cần, trầu cau, thuốc lá, cơm, gạo, đèn cầy… Các lễ vật được bày cách gốc cây sẽ được chặt hạ khoảng 10 mét. Trên cành xoan trước mâm lễ là chiếc vòng đồng và một miếng bông được treo biểu thị sự linh thiêng nơi thần linh trú ngụ. Khi tiếng chiêng vang lên, thầy cúng bắt đầu làm lễ, khấn gọi tổ tiên, ông bà và các vị thần về chứng giám cho việc xin đốn, chặt cây của gia chủ.
Lời khấn có đoạn: "Hỡi các thần linh cai quản rẫy nương, thần linh ở gần buôn làng, cây cổ thụ này gốc nó bên bờ sông, thân nó nơi thung lũng. Sau này khi chặt hạ cho nó mang điều an lành cho con người, không gây sự chết chóc, tang thương. Nên hôm nay gia chủ làm lễ cúng bằng con heo để các thần cùng chứng giám, cùng phù hộ cho gia chủ gặp nhiều may mắn, không mang điều xấu, phù hộ cho điều tốt điều lành, để sau này cây này muốn làm giường gia chủ, ghế kpan. Đến khi thành giường ghế rồi mong thần cây vẫn phù hộ cho gia chủ được bình an”.
Tiếp đó, thầy cúng đi xung quanh gốc cây bôi huyết heo và rải chén gạo với ý nghĩa cầu mong sự bình an, thân cây không gãy đổ lung tung gây hại cho người đi qua; đồng thời khấn và đeo vòng đồng cho gia chủ cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia chủ. Nghi lễ kết thúc, các thành viên trong gia đình và họ hàng, khách được mời đến dự lễ sẽ cùng uống rượu cần, ăn bữa cơm cùng gia chủ. Ngày hôm đó, mọi người sẽ không vào rừng mà dành nguyên ngày để vui với cây trước khi cây bị chặt hạ. Việc chặt hạ cây sẽ được tiến hành vào ngày hôm sau và cây chỉ được chặt hạ khi có sự đồng ý của thần linh (biểu hiện bằng rìu chặt vào gốc cây nhát đầu tiên sẽ không bị rớt ra).
Thầy cúng đọc lời khấn và đổ rượu cùng gạo quanh gốc cây trong lễ cúng hạ chặt cây. |
Ông Y Chen Niê, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm, trong lễ cúng chặt hạ cây, người Êđê còn phân biệt nghi thức chặt hạ đối với cây sống và cây chết. Theo ý nghĩa tâm linh, một cây cổ thụ không may chết đi sẽ mang những điềm không may mắn, do đó cần phải cúng trước khi chặt hạ để ngăn chặn không lây lan sang những cây khác xung quanh, bảo vệ rừng cây được phát triển bền vững. Lễ cúng chặt hạ cây thường gắn với sinh hoạt cộng đồng của người Êđê, có ý nghĩa giáo dục mọi người gìn giữ, bảo vệ môi trường thiên nhiên, sống hòa hợp với rừng và bảo vệ rừng.
An Phương
Ý kiến bạn đọc