Phật Tích cổ tự - vẻ đẹp cổ kính nơi miền quan họ
Chùa Phật Tích nằm dưới chân núi Phật Tích thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất Việt Nam, là di tích Quốc gia đặc biệt được xếp hạng năm 2014.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, chùa Phật Tích được xây dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (1057). Năm 1057, những hạng mục đầu tiên của chùa Phật Tích được vua Lý Thánh Tông cho xây cất là ngọn tháp cao ngàn trượng, pho tượng mình vàng cao 6 thước, ngôi điện bằng đá trên đỉnh núi cao... Sang triều Trần (1225 – 1400), thời kỳ Nho học đang thịnh, các vị vua đã cho xây dựng một thư viện lớn (cung Bảo Hòa) tại chùa Phật Tích do Thượng hoàng Trần Nhân Tông làm viện trưởng. Đến thời Lê – Trịnh (1623 – 1657), chùa Phật Tích được tu sửa quy mô lớn, bảo tồn nguyên trạng các hạng mục phù điêu, hoa văn điêu khắc độc đáo.
Nhưng rồi vẻ huy hoàng và sự thịnh vượng của chùa Phật Tích đã bị quân đội Pháp phá hoại năm 1948. Trên cơ sở những di tích, dấu tích còn lại như tượng người, chim, vườn tháp, ao rồng..., chùa Phật Tích được đại trùng tu vào thập niên đầu thế kỷ 21. Đến nay, sau nhiều lần tu sửa du khách được tham quan gần như hoàn chỉnh bố cục không gian nguyên thủy của chùa Phật Tích từ vườn tháp, ao rồng, bậc lên xuống chùa đến các toà nhà tam bảo, tiền đường, hậu đường…; đặc biệt là được tận mắt chứng kiến những hiện vật gốc độc đáo và quý giá, minh chứng cho một thời kỳ phát triển của Phật giáo và tài nghệ của cha ông trong sáng tạo kiến trúc và chạm khắc đá.
Tượng Phật A Di Đà. |
Quy mô không gian và các công trình điêu khắc cổ đặc sắc về nghệ thuật tạo hình của chùa Phật Tích được bố trí hài hòa trên ba tầng nền từ thấp lên cao. Dưới chân tầng nền thứ nhất có một giếng đá tròn, nước trong veo, có cây đa cổ thụ tỏa bóng quanh năm. Tương truyền dưới đáy giếng có rồng đá phun nước. Leo lên 30 bậc đá là tới cổng tam quan dẫn khách lên chùa. Tầng nền thứ hai cao hơn tầng nền thứ nhất 5 mét, nơi đây tồn tại đậm nét dấu tích nhiều công trình kiến trúc thuộc thế kỷ 17, bao gồm: Ngôi tiền đường, tòa thiêu hương, tòa thượng điện, tòa hậu cung, nhà phương trượng… Bên phải những tòa nhà này là miếu Tiên chúa thờ Trần Ngọc Am còn lại nền móng chữ Đinh.
Phía trước miếu có tháp Linh Quang xây năm 1699; bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi dựng năm 1686 đã bị gãy đôi, một nửa tấm bia vẫn còn lưu giữ ở chùa. Lên đến tầng nền thứ ba sẽ thấy một ao nhỏ hình chữ nhật gọi là ao rồng (Long Trì) được đào vào thời Lý. Nổi bật hơn cả là khu vườn tháp với 32 ngọn tháp lớn nhỏ dựng bằng đá xanh và đất nung nằm xen lẫn vào núi đá nhấp nhô, đa phần có niên đại thế kỷ 17. Mỗi tòa tháp là một tác phẩm điêu khắc tinh tế, kể những câu chuyện về giáo lý, đạo lý nhà Phật như Tháp Phổ Quang có cấu trúc tròn, khắc hình bát quái, ba mặt tháp chạm bảy tượng Phật ngồi trên toà sen; tháp Viên Dung có bốn tầng, mặt trước của tầng thứ hai chạm nổi hình tròn, trên có hình vuông để biểu thị trời tròn, đất vuông; tháp Bảo Nghiêm có mặt tháp chạm tượng Phật ngồi trên tòa sen và nhà sư đã ngồi nhập định…
Chùa Phật Tích, một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang đặc trưng kiến trúc thời Lý thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Cùng với đó là hệ thống tượng thú đá kết hợp với các tác phẩm điêu khắc đá cùng thời tạo nên vẻ đẹp cổ kính, độc đáo hiếm ngôi chùa nào có được. |
Cùng với những công trình kiến trúc độc đáo, chùa Phật Tích có các tác phẩm điêu khắc đá ấn tượng và tiêu biểu. Tỉ mỉ và sống động nhất là pho tượng Phật A Di Đà, được tạo hình vào thời Lý, bằng chất liệu đá xanh nguyên khối. Chiều cao cả bệ và thân tượng là 4,7 m. Tượng Phật A Di Đà được tạc trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen với khuôn mặt hiền từ, khẽ mỉm cười. Tượng đặt trên bệ tòa sen bằng đá được chạm khắc cực kỳ tinh xảo, bao gồm hình tượng các đóa sen đang nở, đôi rồng vờn nhau ẩn hiện trong mây, những chùm dây hoa mềm mại, cuống hoa có nhiều người leo trèo và hình sóng nước cách điệu.
Tháp Phổ Quang. |
Các tác phẩm điêu khắc khác cũng mang giá trị nghệ thuật đặc sắc không kém như tượng mình người đầu chim đang vỗ trống. Tượng được tạc bằng chất liệu đá xanh, khuôn mặt tượng phúc hậu hiền từ, toát lên vẻ trí tuệ và thánh thiện. Các bộ phận trên cơ thể từ đôi mắt, đôi má, cặp lông mày, cổ tay, hai chân… đều được diễn tả bằng các đường cong mềm mại và thần thái.
Tiếp đến là hàng linh thú trước sân chùa gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối (trừ con trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết lỗ mộng. Mình của một số con thú được chạm vân mây, móc nối mềm mại. Ngoài ra còn có tác phẩm điêu khắc rồng dưới đáy ao rồng với chi tiết chân rồng được tạc bằng đá với bắp chân to, mập và bộ móng chắc khỏe...
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc