Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo chiếc phươn tre của người Thái miền Tây Bắc

11:10, 29/10/2019

Chiếc mâm cơm của người Thái miền Tây Bắc thường được gọi là phươn tre hay pan tre (có nơi đan bằng mây thì gọi là phươn mây, pan mây, tùy theo cách gọi của người Thái trắng hay Thái đen từng vùng). Từ lâu đời, chiếc phươn tre đã có mặt và là vật dụng thân thiết, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào.

Để có được chiếc phươn tre như ý, đồng bào Thái phải lên rừng lựa những cây tre không quá già cũng không quá non, đang độ dẻo dai về ngâm dưới nước bùn chừng một tháng rồi mới lột lấy cật tre - nguyên liệu chính để đan phươn. Sau khi đã lột được cật tre, người đan dùng dao vót những đường cật thật tinh xảo và khéo léo để cật vừa phẳng phiu, vừa bóng. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng vì nếu không lựa được nguyên phần cật tre thì khi đan xong, chiếc phươn sẽ không đẹp và nhanh bị hỏng, bị mọt.

Khâu đan phươn chủ yếu dành cho các nghệ nhân hay người già trong các bản Thái vì họ có kinh nghiệm, đôi tay khéo léo, tài hoa và cả sự tâm huyết cùng với những triết lý nhân sinh gửi gắm vào trong đó. Khi đan phươn, đòi hỏi sự cầu kỳ trong kỹ thuật, làm sao cho các nan được khít với nhau, phần bề mặt cật tre được đặt ở phía lòng mâm để tạo độ bóng. Bề mặt phươn có hình tròn, rộng hay hẹp tùy vào người đan và mục đích sử dụng. Mặt phươn có hai phần, phần lòng mâm được bố trí lõm xuống, phần viền mâm bao xung quanh nhô lên một chút so với lòng mâm. Viền mâm có thể dùng những sợi mây dẻo dai để bọc làm cho chiếc phươn vừa bền chắc, vừa đẹp. Đế phươn có hình trụ, cao khoảng 50 cm để tạo cho phươn được chắc chắn.

Sau khi đan xong, phươn được ngâm nước muối một ngày để tạo màu trắng đẹp hoặc nếu chưa dùng ngay có thể treo gần rựa bếp để xông khói chống mối mọt. Thông thường, để tạo độ bóng và màu sắc cho phươn, đồng bào Thái thường dùng nhựa thông hoặc sơn quét lên bề mặt của nó giúp chiếc phươn vừa sáng bóng, vừa khít các đường đan. Có vùng, người ta dùng dây mây để đan phươn. Phươn mây được tạo tác chủ yếu bằng những sợi mây đã chuốt bóng qua bàn tay cần cù, khéo léo của những nghệ nhân tài hoa nên vừa tinh xảo, khít khao trong đường đan, vừa tạo được những hoa văn độc đáo. Chiếc phươn tre nếu làm đúng kỹ thuật, chất liệu sẽ có tuổi thọ trên 20 năm.

Phươn tre là vật dụng thân thuộc trong cuộc sống của đồng bào Thái miền Tây Bắc.
Phươn tre là vật dụng thân thuộc trong cuộc sống của đồng bào Thái miền Tây Bắc.

Cùng với phươn tre, phươn mây, đồng bào Thái Tây Bắc còn chế tác ra những chiếc ghế ngồi cùng bộ với phươn. Bộ phươn đặt ở nhà sàn sẽ rất phù hợp, cân xứng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu dùng nguyên chiếc phươn để bày thức ăn thì đồng bào Thái có thể dùng những chiếc đậm bằng phoi bào quế và bông lau ngồi rất êm, vừa độc đáo.

Chiếc phươn tre được đồng bào Thái dùng trong sinh hoạt hằng ngày, vừa là vật dụng bày đồ cúng lễ trong các ngày lễ tết, hội bản dâng cúng tổ tiên, thần linh. Chiếc phươn tre thể hiện tập quán sinh sống hòa hợp với thiên nhiên của đồng bào Thái, cũng là biểu hiện của triết lý nhân sinh với quan niệm về tinh thần đoàn kết, bao bọc, gắn kết lẫn nhau trong cuộc sống.

Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.