Multimedia Đọc Báo in

Giữ hạt giống cho mùa sau

09:34, 28/10/2019

Khi nhà nhà đổ xô tìm giống mới, cây lạ để trồng thì nhiều người Êđê vẫn lặng lẽ giữ những hạt giống rau, quả truyền thống, bảo tồn nguồn gen thực vật quý được chọn lọc qua nhiều đời.

Trong ngôi nhà dài của gia đình anh Y Niêm Niê tại buôn Blếch (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) những chùm bắp khô được treo cẩn thận, ngay ngắn trong gian chính của căn nhà. Anh cho biết, trong số những quả bắp này có đủ cả 3 giống được người Êđê gieo trồng nhiều đời nay là bắp vàng, bắp trắng và bắp tím. Cả ba giống bắp này đều có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với các giống bắp bán trên thị trường nhưng có độ dẻo cao, vị ngọt thơm đặc trưng. Các loại bắp này có thể luộc tươi hoặc dùng hạt khô để chế biến thành những món ăn trong đời sống hằng ngày và ủ rượu cần.

Anh Y Niêm Niê (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) kiểm tra bắp giống bảo quản theo cách  truyền thống.
Anh Y Niêm Niê (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) kiểm tra bắp giống bảo quản theo cách truyền thống.

Bắp giống được tuyển chọn ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên trong năm khi cây bắp vừa héo trên rẫy. Những quả bắp to nhất, đều nhất và không bị lũ sóc hay chim Kơ tia cắn phá sẽ được thu hoạch riêng. Anh Y Niêm chuẩn bị sẵn một bó lạt nứa hoặc lồ ô dài, thật mỏng, thật dẻo để buộc bắp thành chùm. Khi bắp được chở về nhà, các công việc khác sẽ được gác lại để mọi người trong gia đình cùng quây quần thực hiện việc bảo quản bắp. Người thì bẻ bớt một vài lá bắp bên ngoài cho gọn gàng, người thì gấp đầu vỏ trái bắp rồi dùng lạt buộc chặt sao cho mỗi đầu sợi lạt là một trái bắp khô. Cứ khoảng 20 – 30 cặp bắp buộc xong, hai người lớn trong nhà sẽ giữ chặt hai đầu và xoắn nhiều vòng để các sợi lạt bện vào nhau tạo thành chùm chắc chắn. Những chùm bắp này được phơi nắng cho thật khô rồi vắt lên các thanh gỗ trên trần nhà sàn.

Tương tự, gia đình Amí Tiên Sa (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) cũng duy trì tập quán trữ các giống bắp, lúa, dưa, bầu, bí… để gieo trồng vụ sau. Theo Amí Tiên Sa, các loại bắp khi treo nguyên vỏ trên trần nhà không bị mốc mọt hay chuột bọ cắn phá và có thể giữ thuộc tính nảy mầm đến hai năm. Với các loại quả có lớp vỏ ngoài cứng như bầu, mướp thì chỉ cần để quả tự khô trên cây rồi mang vào bỏ lên giàn bếp. Còn đối với dưa nước, cà đắng… thì hạt sẽ được lấy từ các quả thật già, thật chín, rửa sạch, phơi khô rồi cho vào các giỏ tre nhỏ và cũng gác lên giàn bếp. Khói và hơi nóng trong quá trình đun nấu sẽ giúp giữ hạt khô đều quanh năm, kể cả trong mùa mưa ẩm thấp. Đến thời điểm gieo trồng, chỉ cần lên rẫy cuốc lỗ rồi bỏ hạt xuống, cây sẽ tự thích ứng và lớn lên mà không cần chăm bón hay tác động nào khác.

Có thể nhận thấy, các loại rau, củ, quả truyền thống là phần quan trọng tạo nên nét đặc sắc ẩm thực của đồng bào Êđê nói riêng và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Các giống thực vật này đa phần là cây rừng, quả dại, được nhiều thế hệ chọn lọc, lưu lại cho đời sau với những thuộc tính quan trọng như: hương vị đặc trưng, chống chịu sâu bệnh cao, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên...

Tuy nhiên, các loại rau, quả truyền thống thường có năng suất thấp, thời gian sinh trưởng kéo dài nên nhiều người đã chuyển sang canh tác các giống bán sẵn trên thị trường để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Không những vậy, việc thu hẹp về diện tích, thay đổi thói quen canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số đã khiến nhiều loại rau, củ, quả truyền thống đối diện với nguy cơ thoái hóa, lai tạp, thậm chí là mất dấu ở nhiều buôn làng.

Chính vì thế, nếu chỉ dựa vào việc tự duy trì, bảo quản của người dân mà không có quá trình nghiên cứu, đánh giá cụ thể của các nhà chuyên môn, rất có thể, nhiều loại thực vật truyền thống, gắn liền với đời sống của người dân nơi đây sẽ biến mất vĩnh viễn.

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.