Multimedia Đọc Báo in

Lễ cúng cắm cây nêu mừng lúa trổ bông của người M'nông Gar

08:42, 06/10/2019

Hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng 9 dương lịch, khi cây lúa đã ngậm đòng chuẩn bị trổ bông, các gia đình người M’nông Gar ở huyện Lắk lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ cúng cắm cây nêu mừng lúa trổ bông.

Là một trong 3 lễ cúng trong vòng đời cây lúa (gồm: lễ cúng cắm cây nêu, lễ cúng thu hoạch một nửa diện tích và lễ cúng mừng lúa mới), lễ cúng cắm cây nêu trổ bông được thực hiện đơn giản, lễ vật cũng không quá cầu kỳ nhưng lại có ý nghĩa to lớn vì đây là giai đoạn quan trọng của cây lúa trước khi trổ đòng, lễ cúng được thực hiện để cầu mong cho lúa trổ bông to, hạt nhiều, hạt chắc.

Trước lễ cúng một ngày, đàn ông trong gia đình đã đi rừng chọn cây lồ ô một lứa, to, đẹp, thẳng để làm cây nêu. Công việc này thường dành cho những người khéo tay để làm cây nêu sao cho đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Việc làm cây nêu rất được xem trọng vì tính chất thiêng liêng của nó và cũng cần có những kiêng cữ nhất định. Khi chặt cây lồ ô không được nhúng vào nước, không chọn cây cụt ngọn, không được đi vệ sinh; khi về đến nhà không được đặt cây lồ ô nằm xuống đất mà phải dựng thẳng đứng để đề phòng mọi người bước qua sẽ mất thiêng. Cây nêu đã làm xong phải cắm thẳng đứng trước sân nhà, không cắm xiêu vẹo.

Chuẩn bị cây nêu cho lễ cúng.
Chuẩn bị cây nêu cho lễ cúng.

Đồng bào M’nông Gar quan niệm khi làm cây nêu và cắm trên rẫy, các vị thần sẽ trú ngụ trên cây nêu và giữ cho hồn lúa ở yên trên rẫy. Vì vậy, cây nêu được làm như biểu tượng của các chùm lúa sum suê. Thường cây nêu có năm hình chùm lúa xòe ra, biểu hiện cho sự sinh sôi, phát triển, cũng là ước mong cho cây lúa trổ nhiều bông, to bông và chắc hạt.

Tại nhà ông Do Ka Ly (buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk), khi cây nêu chuẩn bị xong, sáng sớm hôm sau cả nhà dậy thật sớm, mỗi người lo một việc để làm lễ cúng tại nhà trước khi lên rẫy cắm cây nêu. Những thứ chuẩn bị gồm: Một ché rượu, một con gà, cơm và cơm rượu được đựng vào vỏ ngô, con gà để trong một cái nia, bên cạnh còn có cây củ dong, mấy bát gạo.

Khi mọi thứ đã xong, ông Do Kaly cắt tiết gà bôi vào các vật dụng trong nhà rồi đọc lời cúng: “Hôm nay, một ché rượu cần, một con gà, một nồi cơm niêu tôi xin dâng lên các vị thần lúa. Thần lúa Pu, thần lúa N’du Yang, thần lúa Ang, thần lúa Trang... đang đua nhau lên đòng trổ bông. Mai này, lúa lên đòng to bằng lá tranh, lá lúa to bằng lá cỏ lâu, thân lúa to bằng sợi mây...’’.

Sau khi ông Do Ka Ly cúng xong thì một vài người họ hàng lại chỗ vợ ông Do Ka Ly để nhận một vài cái cây cùng tô gạo. Trước khi trao, vợ ông Do Ka Ly tiếp tục kể câu chuyện liên quan đến cây lúa, mong muốn may mắn và no đủ sẽ đến với gia đình đến nhận gạo và cây. Cuối cùng họ cùng hôn tay nhau và kết thúc nghi thức. Sau đó mọi người uống rượu cần và nhanh chóng chuẩn bị các thứ để lên rẫy cắm cây nêu.

Ông Yo Ka Ly làm nghi thức cúng trước khi lên rẫy.
Ông Yo Ka Ly làm nghi thức cúng trước khi lên rẫy.

Lúc này, cơm rượu và cơm đựng trong vỏ ngô đã được phết tiết gà sẽ được vợ ông Do Ka Ly gói lại để cùng các lễ vật khác và cả chiếc xà gạc vào trong gùi. Sau đó, ông cầm cây nêu, bà mang gùi lễ vật bắt đầu cùng mọi người trong buôn đi vào rẫy. Lễ cắm cây nêu mừng lúa trổ bông ngày hôm đó không chỉ diễn ra ở nhà ông Do Ka Ly mà diễn ra tại các gia đình có lúa rẫy. Họ hẹn nhau cùng ra rẫy cắm cây nêu. Đây là phong tục có từ lâu đời và mỗi lần cúng, cả buôn đều rộn ràng như ngày hội từ trên đường ra rẫy cho đến khi về nhà.

Đến rẫy, ông Do Ka Ly chọn nơi lúa đẹp và là trung tâm của rẫy để làm lễ. Ông nhanh chóng trồng cây nêu sao cho thật chắc chắn, trồng các loại cây mang theo vào hai bên cây nêu. Sau đó, đặt cơm rượu vào trước cây nêu và lấy cơm gói trong vỏngô đặt lên thân cây lúa rồi khấn. Sau đó, cả ông và bà đi từng bụi lúa xung quanh cây nêu, phết huyết gà, vừa vuốt ve, vừa trò chuyện như tâm tình với cây lúa, mong lúa hiểu cho tấm lòng của gia chủ mà lớn nhanh, mong các thần phù hộ cho gia đình có vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong nghi lễ này, có một vài kiêng kỵ như người cúng không được ăn dưa nước, không được phép uống nước lã, chỉ được uống nước cháo trong bầu.

Bà Yo Ka Ly làm nghi thức hôn tay và trao tô gạo.
Bà Yo Ka Ly làm nghi thức hôn tay và trao tô gạo.

Sau khi cắm cây nêu trên rẫy, mọi người trở về nhà để chuẩn bị cho nghi thức cúng tại kho lúa và phần hội của lễ cúng này. Ông Do Ka Ly lại tiếp tục lấy gà làm lễ cúng tại kho lúa và khấn: “Hôm nay, tôi làm lễ cúng cắm cây nêu trên rẫy như ông bà tổ tiên ngày xưa. Hỡi thần đất, thần sông, thần rừng, thần núi, thần cây lúa, thần bồ lúa... khi ông bà tổ tiên qua đời, tôi đã dâng tế một con heo, làm một quan tài cùng với lời khóc than thương tiếc. Ông bà tổ tiên ra đi để lại đất đai, nay tôi làm nương, làm rẫy không lấn chiếm của người khác, mong các vị thần, ông bà tổ tiên làm chứng và phù hộ được mùa màng bội thu...’’.

Sau khi kết thúc lễ cúng, đồng bào M’nông Gar tổ chức ăn uống. Lễ cúng cắm cây nêu mừng lúa trổ bông là một dịp vui để đồng bào thăm hỏi, cùng uống rượu cần, cùng ăn một miếng thịt gà giã măng chua, cùng nhau thổi sáo Nung Pro, cùng đánh chiêng Chưng Ngăn trong không khí rộn ràng. Niềm vui cứ thế diễn ra từ nhà này sang nhà khác trước mùa lúa rẫy trổ bông…

Y Nin Byă


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.