Multimedia Đọc Báo in

Nối dài nhịp chiêng

07:39, 12/10/2019

Việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một trong những hoạt động đang được Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP. Buôn Ma Thuột triển khai có hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.

"Trình làng" những đội chiêng trẻ

Một trong những lớp truyền dạy đánh chiêng cho thiếu niên dân tộc thiểu số được Trung tâm VHTT&DL TP. Buôn Ma Thuột tổ chức trong dịp hè năm 2019 là ở buôn Tuôr (xã Hòa Phú). Tham gia lớp học có 27 học viên nam và nữ, từ 12-15 tuổi. Vào các buổi tối cuối tuần, tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tuôr lại rộn ràng hơn bởi âm thanh vang vọng của tiếng chiêng. Rất nhiều người dân trong buôn đã tập trung về đây để xem các em thiếu niên luyện tập đánh chiêng.

Sau hơn một tháng học, nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm mà tất cả học viên đều đã nắm vững các động tác cơ bản như cầm dùi, gõ nhịp và diễn tấu thành thạo một số bài chiêng cơ bản được sử dụng trong các lễ hội. Em H’Đê Bô Ra Byă (15 tuổi) chia sẻ: “Khi có thông báo về lớp truyền dạy đánh chiêng được tổ chức tại buôn, em liền đăng ký ngay và rủ thêm các bạn khác cùng học. Ngoài việc được truyền dạy kiến thức cơ bản về giá trị của cồng chiêng và cách đánh chiêng, em còn được dạy múa xoang nữa. Chúng em sẽ tiếp tục học hỏi và chăm chỉ luyện tập để có thể đánh được cả những bài chiêng khó, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

Tiết mục diễn tấu chiêng kết hợp múa xoang của đội chiêng buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).
Tiết mục diễn tấu chiêng kết hợp múa xoang của đội chiêng buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm cho hay, buôn Tuôr là một trong hai buôn ở xã Hòa Phú có người dân tộc Êđê sinh sống, thế nhưng trong buôn không có ai biết đánh chiêng, hát Aray, hát Kứt hay kể khan nên việc truyền dạy đánh chiêng sẽ giúp các em luôn nhớ về cội nguồn, để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một; đồng thời có sân chơi lành mạnh vào các ngày cuối tuần.

Sau khi lớp học kết thúc, đội chiêng của buôn cũng đã được thành lập gồm đội chiêng nam và đội chiêng nữ. Các thành viên trong đội chiêng chăm chỉ tập luyện, mạnh dạn tham gia thử sức tại các cuộc thi, hội diễn và đoạt giải cao như giải Nhì Liên hoan tiếng hát “Hoa phượng đỏ” năm 2019 cấp xã; giải C Liên hoan các đội, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng năm 2019 do Thành Đoàn Buôn Ma Thuột tổ chức. Ngoài ra, tiết mục diễn tấu chiêng kết hợp múa xoang của đội chiêng nữ đã được Thành Đoàn Buôn Ma Thuột lựa chọn để thi tài tại Liên hoan Thanh niên hát dân ca, diễn tấu nhạc cụ dân tộc và tuyên truyền ca khúc cách mạng tỉnh Đắk Lắk năm 2019 sẽ diễn ra vào ngày 16-10.

Ngoài lớp truyền dạy đánh chiêng tại buôn Tuôr, trong năm 2019, Trung tâm VHTT&DL TP. Buôn Ma Thuột còn mở thêm hai lớp tại 4 buôn gồm Krông A, buôn Jù (xã Ea Tu) và buôn Kdun, buôn Ea Bông (xã Cư Êbur) với 4 đội chiêng nam. Là một trong những học viên có thành tích học tập xuất sắc của lớp truyền dạy đánh chiêng tại buôn Ea Bông (xã Cư Êbur), em Y Điêp Ênuôl (14 tuổi) cho biết: “Được tham gia lớp học em vui và háo hức lắm vì đây là lần đầu tiên em được cầm chiêng. Giờ em đã nắm được kỹ thuật đánh chiêng, biết đánh một số bài đơn giản như “Gọi mùa”, “Mừng sum họp”. Em và toàn đội sẽ cố gắng tập luyện thành thạo các bài chiêng để được biểu diễn tại các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương”.

Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

Theo bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc VHTT&DL TP. Buôn Ma Thuột, trước tác động của nền kinh tế thị trường và sự hấp dẫn của các loại hình văn hóa hiện đại, một số cộng đồng dân tộc thiểu số không còn lưu giữ được các bộ chiêng, nguồn nhân lực đánh chiêng bị mai một trong khi đó thế hệ trẻ lại không mấy mặn mà, thậm chí là thờ ơ với cồng chiêng. Chính vì vậy, việc truyền dạy đánh chiêng này là cần thiết nhằm giúp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho các em. Đồng thời, giúp các buôn xây dựng đội chiêng để tham gia các hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ; góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Đội chiêng thiếu niên của buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).
Đội chiêng thiếu niên của buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).

Thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 của UBND thành phố, trong đó có việc mở lớp truyền dạy đánh chiêng cho thiếu niên dân tộc thiểu số, mỗi năm Trung tâm VHTT&DL TP. Buôn Ma Thuột mở từ 1-3 lớp đào tạo đánh chiêng. Sau khi hoàn thành xong khóa học, các đội chiêng tại các buôn hoạt động rất tích cực, thường xuyên tập luyện để nâng cao trình độ; trở thành nhân tố mới của địa phương tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cấp thành phố, cấp tỉnh như Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột…

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm VHTT&DL TP. Buôn Ma Thuột đã mở được 8 lớp truyền dạy đánh chiêng cho 228 thiếu niên dân tộc Êđê tại các buôn trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí thực hiện hơn 164 triệu đồng.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.