Thăm khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu
Tọa lạc tại ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã trở thành di sản, điểm đến tâm linh và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bến Tre với nhà thơ yêu nước, người thầy giáo mẫu mực, đức độ, người thầy thuốc có tâm, có tài.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu đó là sự yên tĩnh với một không gian thoáng rộng và tôn kính. Ở đó, khi nghe người hướng dẫn viên kể lại những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và ngâm nga câu thơ của cụ Đồ Chiểu, không ít du khách lại có cảm giác bâng khuâng, tựa hồ nghe tiếng lòng nặng tình non nước của bậc tiền nhân tài đức ngàn xưa vọng về.
Suốt cuộc đời gắn bó với người dân Nam Bộ, trong đó, hơn một phần tư thế kỷ sống trên mảnh đất Bến Tre, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã tạo được sự ảnh hưởng, tình yêu thương, sự kính trọng của người dân nơi đây. Hơn thế nữa, tấm gương của cụ Đồ Chiểu như là một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của vùng đất anh hùng. Để rồi, không chỉ ở Bến Tre mà còn nhiều tỉnh thành khác, có nhiều con đường, trường học, thậm chí bệnh viện mang tên Nguyễn Đình Chiểu; đặc biệt, từ năm 1946 đến 1948, tỉnh Bến Tre được đổi tên là tỉnh Đồ Chiểu.
Du khách tham quan khu mộ của cụ Đồ Chiểu. |
Đến thăm khu di tích, ấn tượng nhất vẫn là đền thờ chánh điện với 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ Đồ Chiểu (dạy học, bốc thuốc và làm thơ). Ở chính giữa, bức tượng bằng đồng tạc cụ Đồ Chiểu với đôi mắt đã mù vì khóc thương mẹ qua đời. Mảng phù điêu bên trái tả cảnh cụ Đồ đọc văn tế “Lục tỉnh sĩ dân trận vong” tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883. Mảng phù điêu bên phải miêu tả trận đánh của Phan Ngọc Tòng tại Giồng Gạch ( xã An Hiệp – Ba Tri ). Phía trước có hai cột trụ chạm khắc hai câu thơ bất hủ của cụ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Bên cạnh đó là đôi câu đối của nhân dân ca tụng ông: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê”.
Sau chánh điện còn có một khu tưởng niệm, nơi lưu giữ những hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bên trái nhà tưởng niệm là phần mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu và phu nhân; gần đó là nơi yên nghỉ của người con gái - nữ sĩ Sương Nguyệt Anh – một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ trước. Cùng với đó, trong khu di tích được bố trí hài hòa với một không gian xanh trồng nhiều loại cây cảnh, mang đến cảm giác thư thái cho người thăm viếng, khách tham quan.
Nhắc đến cụ Đồ Chiểu, người yêu văn thơ nhớ ngay đến một hiện tượng của văn học Việt Nam ở thế kỷ 19, một trong những người khai mở dòng văn học yêu nước, đồng thời đánh dấu bước phát triển quan trọng của văn hóa nói chung và văn học thành văn nói riêng ở Nam Kỳ lục tỉnh. Quả thực, những tác phẩm của ông không chỉ ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân ở thời kỳ ấy mà còn lưu dấu cho tới tận bây giờ. Chính sự tài năng và ý chí vươn lên, ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bằng ngòi bút sắc bén, những áng thơ văn của ông tố cáo tội ác của giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân và càng khẳng định tấm lòng yêu nước thương dân.
Nhà bia tưởng niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. |
Được biết, để tỏ lòng thành kính với cụ Đồ, hằng năm vào ngày sinh nhật cụ (1-7), tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu với nhiều hoạt động như: bốc thuốc miễn phí, triển lãm ảnh, liên hoan đờn ca tài tử, liên hoan hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, ngâm thơ, múa lân, thi đấu võ thuật… Không chỉ thế, với thế hệ trẻ tỉnh Bến Tre, Khu di tích lăng mộ cụ Đồ Chiểu còn là nơi giáo dục lòng yêu nước, nhân cách sống hôm nay và mai sau.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc