Multimedia Đọc Báo in

Thư viện Ama Amí Vôl - "Điểm hẹn" của người yêu sách

08:55, 20/10/2019

Một thư viện xinh xắn ở cuối đường Y Moan Ênuôl (buôn Dhă Prong, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) là nơi lui tới thường xuyên của nhiều em nhỏ và những người yêu sách gần đây.

Chủ nhân của thư viện Ama Amí Vôl là Dresden Ênuôl - con gái của cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan Ênuôl. Theo tiếng Êđê, Ama Amí Vôl là bố mẹ của Vôl – con trai cả Y Vôl Ênuôl (SN 1980) của cố nghệ sĩ Y Moan.

Dresden Ênuôl (SN 1992) là giáo viên dạy tiếng Anh của một trường tiểu học ở xã Đắk Sôr (huyện Krông Nô, Đắk Nông). Dresden Ênuôl thường xuyên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động vì môi trường, bình đẳng giới… để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở các buôn làng. Càng đi nhiều, Dresden thấy tình trạng thiếu hụt về văn hóa đọc của học sinh vùng khó khăn. Chính vì vậy, Dresden quyết định mở một thư viện cộng đồng ngay tại nhà với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc sách cho các em học sinh trong buôn.

Cô giáo Dresden Ênuôl giới thiệu sách trong thư viện cho bạn đọc.
Cô giáo Dresden Ênuôl giới thiệu sách trong thư viện cho bạn đọc.

Đầu tháng 6-2019, cô giáo Dresden bắt tay thực hiện ý tưởng xây dựng thư viện cộng đồng mini trong ngôi nhà sàn của gia đình. Căn phòng nhỏ rộng chừng 10 m2 trước đây được Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan Ênuôl dùng làm phong thu âm và tiếp khách. “Mới đầu mẹ em không đồng ý, nhưng khi hiểu ra việc em làm, mẹ không còn phản đối mà còn hỗ trợ tích cực”, Dresden chia sẻ. Cô tự lên ý tưởng, thiết kế và trực tiếp cưa cắt vật liệu, lắp ghép từng thanh gỗ, trang trí từng bức vách, giá sách.

Thư viện Ama Amí Vôl là một trong 3 cơ sở thuộc Dự án “Điểm đọc Việt Nam” của tổ chức Reading Việt Nam ở Đắk Lắk. Ngoài thư viện cộng đồng này, cô giáo Dresden còn kết nối, huy động nguồn sách cho thư viện của một trường tiểu học ở vùng sâu của tỉnh Đắk Nông.

Sau một tháng thực hiện, một thư viện đầy đủ tiện ích, độc đáo được hình thành. Cô giáo trẻ dùng tiền lương của mình để mua sách, song không thể mua được nhiều, Dresden đã liên hệ nhiều nơi tặng sách cho thư viện. Biết việc làm ý nghĩa của cô giáo, nhiều người đã gửi tặng sách, trong đó có người quen ở TP. Hồ Chí Minh. Cứ thế, lượng sách trong thư viện nhiều lên dần lên, hiện nay đã có 1.000 đầu sách, truyện đủ các loại từ truyện thiếu nhi, tiểu thuyết, sách ngoại văn, sách kỹ năng sống và văn hóa…

Trẻ em buôn Dhă Prong thường xuyên đến thư viện Ama Amí Vôl đọc sách.
Trẻ em buôn Dhă Prong thường xuyên đến thư viện Ama Amí Vôl đọc sách.

Thư viện mở cửa thường xuyên, bạn đọc không chỉ có thiếu nhi trong buôn mà còn cả sinh viên và những người yêu sách đến đọc sách tại chỗ. Bạn đọc được thoải mái mượn sách về nhà, đọc xong tự mang đến trả, vậy mà thư viện chưa mất cuốn sách nào. "Trẻ con trong buôn Dhă Prong thường xuyên đến đọc sách, dù không có người trông coi nhưng rất trật tự. Không ít sinh viên tìm đến đây chỉ để thả mình trong không gian tĩnh lặng, nghe mùi thơm cây cỏ hay đơn giản ngắm mây trôi lúc chiều về. Nhìn các bạn thư thái bên khung cửa sổ, tận hưởng sự yên bình của cuộc sống,  em cũng vui lây và có thêm động lực để làm nhiều việc hơn nữa cho thư viện” - Dresden cho hay.

Không chỉ có sách, thư viện nhỏ còn là nơi cất giữ nhiều kỷ vật quý giá của cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan như là sự tưởng nhớ của Dresden về người cha đáng kính. Một điều khiến nhiều người thích thú mỗi khi đến với thư viện là các vật dụng trong phòng đều được tận dụng từ những đồ dùng cũ, được làm bằng tay có nguồn gốc tự nhiên. Xung quanh thư viện có rất nhiều cây sen đá, hương thảo, tần dầy…, được chăm chút tỉ mỉ, có công dụng làm sạch, tạo không khí dịu mát, đuổi muỗi. Không chỉ là không gian đọc  sách, thư viện Ama Amí Vôl còn là nơi kết nối các câu lạc bộ, đội nhóm hoạt động vì môi trường xanh với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: nhặt rác, dọn vệ sinh, tuyên truyền bà con không vứt rác bừa bãi…

Thùy Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.