Vãn cảnh Tổ đình sắc tứ Tịnh Quang
Tổ đình sắc tứ Tịnh Quang hay chùa Sắc Tứ thuộc thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là địa danh nổi tiếng xưa nay với câu ca dân gian: “Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử/Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu”.
Ngoài vẻ đẹp cổ kính, chùa Sắc Tứ còn sở hữu bốn con khỉ bằng đá ở trong vườn chùa diễn tả triết lý nhà Phật hết sức thâm sâu. Tổ đình sắc tứ Tịnh Quang là di tích cấp quốc gia hạng A1 được Nhà nước xếp hạng năm 1991.
Lúc mới thành lập, chùa Sắc Tứ có tên là am Tịnh Độ gắn liền tên tuổi của tổ sư Chí Khả, đó là khoảng thời gian đầu thời Lê (1735 - 1739). Giai đoạn tiếp nối, dưới sự trụ trì của thiền sư Tuyết Phong rồi đến thiền sư Bửu Ngạn, am Tịnh Độ tiếp tục được mở rộng và hoàn thiện. Đến năm Kỷ Sửu (1739), chúa Nguyễn Phúc Khoát trong một lần ngự giá ra Bắc đã ghé thăm am Tịnh Độ. Ngỡ ngàng trước vẻ trầm lắng, thanh bình nơi linh thiêng cửa Phật nên chúa đã ngự bút đề tặng 5 chữ: “Sắc Tứ Tịnh Quang Tự” rồi cho làm bảng sơn son thếp vàng tặng cho chùa. Từ đó am Tịnh Độ đổi thành chùa Tịnh Quang rồi dân chúng thân quen gọi là chùa Sắc Tứ (chùa được sắc phong), còn Giáo hội Phật giáo thì đặt tên là Tổ đình sắc tứ Tịnh Quang.
Cổng chùa Sắc Tứ. |
Chùa Sắc Tứ là một trong những ngôi tổ đình có mặt sớm nhất và trở thành trung tâm Phật giáo của Quảng Trị từ buổi vùng đất Đàng Trong vừa mới mở mang, củng cố bởi các chúa Nguyễn. Vị trụ trì tiên khởi người Trung Quốc của chùa Sắc Tứ có húy là Tánh Tu, hiệu là Chí Khả, xuất gia năm 13 tuổi theo trường phái Tiểu thừa. Khi sang Việt Nam, tổ sư Chí Khả dừng chân tại Quảng Trị dựng một ngôi am, tập hợp đệ tử đêm ngày truyền pháp thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng bây giờ. Sau đó, ông giao lại giáo điểm này cho đệ tử rồi ra Ái Tử lập ra am Tịnh Độ và bắt đầu xây dựng những cơ sở đầu tiên của chùa Sắc Tứ sau này với ngôi nhà rường ba gian hai chái có tiền đường và hậu điện rất trang nghiêm. Chùa Sắc Tứ ngày càng có tiếng, được đông đảo bần tăng và tín đồ nhập môn. Tổ sư Chí Khả viên tịch tại chùa khi mới 24 tuổi.
Trải qua bao lần bể dâu, bao phen binh đao, đạn lửa đã làm cho chùa Sắc Tứ bị tàn phá rồi bỏ hoang. Với ước mong gìn giữ, bảo tồn ngôi cổ tự cùng các giá trị tâm linh của quần chúng mộ đạo, Giáo hội Phật giáo, chính quyền địa phương cùng những nhà hảo tâm đã dốc sức 9 lần trùng tu chùa Sắc Tứ. Năm 1997, lần gần đây nhất, chùa được đại trùng tu do Hòa thượng Thích Chánh Liêm làm Trưởng ban Tái thiết, đến năm 2001 thì khánh thành.
Chùa Sắc Tứ có kiến trúc truyền thống với mái chồng diêm. |
Giống với tổng thể kiến trúc chùa chiền cổ ở nước ta, chùa Sắc Tứ có cổng tam quan hai tầng, tầng dưới có ba cửa, ở giữa là cửa chính, hai bên cửa nhỏ hơn và kích thước hai cửa này bằng nhau. Trước cổng chùa có hồ nước nhỏ trồng hoa súng nở hoa tím ngát mỗi độ thu về mang đến nét thanh tao nơi cửa Phật nghiêm tịnh. Bước qua cổng chùa, không gian yên tĩnh nơi cửa Phật sẽ mở ra với ngôi nhà truyền thống có mái chồng diêm (còn gọi là mái kép, kiểu hai tầng tám mái).
Bờ nóc mái chùa được trang trí công phu hoa văn hình rồng bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ bởi những người thợ kép tài hoa. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Điện chính giữa thờ Tam Thế Phật. Hậu điện thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Chí Khả, người khai sinh chùa Sắc Tứ cùng hai vị hòa thượng là Tuyết Phong và Bửu Ngạn, thế hệ đầu tiên trụ trì của chùa. Trong khuôn viên chùa có đài Quán Thế Âm Bồ Tát. Chùa có pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2.700 kg và chiếc trống lớn bằng da trâu đường kính 165 cm.
Điều thú vị và độc đáo nhất nơi vườn chùa là bốn bức tượng khỉ đá, một con dùng hai tay bịt miệng mình lại, một con bịt mắt, con tiếp theo bưng kín hai tai, con còn lại chắp tay tụng niệm. Hình tượng ba con khỉ gắn với các động tác đặc thù như ba con khỉ đá đầu tiên ở chùa Sắc Tứ nhằm răn dạy bần đạo rằng bịt miệng là không nói điều gì vô ích, xằng bậy; bịt tai là không nghe điều gì không cần thiết; bịt mắt là không nhìn điều gì phương hại đến việc tu tâm dưỡng tính. Con khỉ đá thứ tư đang chắp tay tụng niệm chính là sự sáng tạo riêng biệt ở chùa Sắc Tứ. Theo các sư thầy, biểu tượng con khỉ thứ tư này nhắc nhở người ta biết cách im lặng để tĩnh tâm và để chiêm nghiệm sự đời, làm những điều có ích cho đạo và đời. Đó chính là sự tu hành chân chính để thanh tâm quả dục, tránh được nhiều chuyện lầm lạc, thị phi, bớt đi những điều phiền muộn, nhiễu loạn không đáng có.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc