Multimedia Đọc Báo in

Vì em là cô gái Êđê

09:25, 17/10/2019

Để có thể xướng lên câu nói: “Xin chào mọi người, mình tên là H’Ăng Niê, mình đến từ Việt Nam”….  giữa cuộc thi “Hoa hậu siêu mẫu thế giới 2018” tổ chức vào đầu tháng 7-2018 tại Beirut - Li Băng, quốc gia vùng Trung Đông tọa lạc bên biển Địa Trung Hải như thế, H’ Ăng Niê, người con gái Êđê của buôn Niêng xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã phải vượt qua rất nhiều những điều tưởng chừng như không thể. 

Nhà nghèo, đông anh em, cha mất sớm, H’Ăng từng nghĩ mình sẽ phải bỏ học giữa chừng để lấy chồng như mọi cô gái Êđê khác trong buôn; từng tưởng mình sẽ dang dở ước mơ là muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa so với bạn bè cùng trang lứa… Nhưng vượt qua tất cả, lần đầu tiên H’Ăng Niê đặt bước chân lên sàn diễn là ở cuộc thi  Hoa hậu các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I - năm 2011.

Lúc ấy em đang là sinh viên Khoa Lịch sử Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Và sau nhiều lần tham gia liên tục các cuộc thi sắc đẹp, cô gái 26 tuổi đến từ miền đất cao nguyên đã đạt tới đỉnh cao của cuộc đời một người mẫu, đó là ngôi vị siêu mẫu quốc tế năm 2018. Điều mà không phải người mẫu Việt Nam nào, kể cả những cái áo khoác trong nước mang tên “siêu mẫu” có thể làm được. Miss World Next Top Model là sân chơi dành cho những người mẫu chuyên nghiệp, đẳng cấp cao của ngành thời trang quốc tế, là khát vọng mà bất cứ thiếu nữ nào trên thế giới cũng một lần mơ ước, nhưng không phải ai cũng dám dấn thân, và H’ Ăng - cô gái người dân tộc thiểu số với nước da nâu và giọng nói chưa thoát khỏi âm sắc thổ ngữ vùng miền đã làm được.  

Và hôm nay khi ở ngôi vị là người mẫu chuyên nghiệp, H’Ăng có thuận lợi được sải bước trên nhiều sàn diễn thời trang ở trong nước, được làm việc với các nhà thiết kế, thấy sự sáng tạo của những bộ sưu tập trên từng chất liệu vải, H’Ăng đã tìm cách tôn vinh thổ cẩm quê hương bằng chính nghề nghiệp của mình. Cô đã làm người mẫu chính cho dự án “Hoa của đất” xây dựng trên chất liệu thổ cẩm Êđê của nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng.

Đồng hành cùng Việt Hùng - H’Ăng là nhiếp ảnh gia Hứa Quý Long và chuyên gia trang điểm Bùi Thái, cùng bạn diễn Đinh Y Nhung, ca sỹ người M’nông Y Krok - những người trẻ khát khao muốn làm nên một điều gì khác biệt. Hằng tháng chương trình trình diễn “ Thời trang phố” trên phố đi bộ Bùi Viện ở TP. Hồ Chí Minh, luôn có 50 bộ áo dài thổ cẩm đã thu hút được sự chú ý không chỉ của người xem trong và ngoài nước, mà cả giới chuyên nghiệp.

Chưa hết, họ còn khát khao giới thiệu với công chúng 1.000 bộ thời trang thổ cẩm sẽ được các người mẫu trình diễn, khoe sắc giữa thiên nhiên, đất trời, lộng lẫy nhưng hiền hòa, gần gũi như sông suối, núi rừng, nương rẫy Tây Nguyên. Việt Hùng - H’Ăng luôn ước muốn, một lúc nào đó họ sẽ thiết kế nên những bộ trang phục phù hợp với cuộc sống hiện đại cho người Tây Nguyên, để dù đến công sở hay đi dạo phố, đều có thể tự hòa vào không gian chung vẻ đẹp của riêng mình.

Là thành viên của Công ty Ý tưởng Việt, lịch giảng dạy kỹ năng sống cho thanh thiếu niên của H’Ăng Niê dày đặc, nhưng tranh thủ những ngày không phải lên lớp, em dành thời gian kêu gọi bạn bè đến với những chuyến đi thiện nguyện. Mặc dù mua được thổ cẩm nguyên gốc để thiết kế với giá rất đắt, do bà con dệt tay bằng khung thủ công truyền thống, nhưng bao nhiêu tiền thu được từ những đêm diễn, Việt Hùng - H’Ăng dành hết cho những chuyến đi ấy, nhất là về lại quê hương Tây Nguyên.

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung - Trưởng Bộ môn Ngữ văn khoa Sư phạm, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên trong một chuyến ghé thăm gia đình H’Ăng nói rằng: “Rất quý sự nỗ lực của H’Ăng khi em đã cố gắng giới thiệu thổ cẩm của tộc người mình để thế giới biết về rừng núi Tây Nguyên với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo”.

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung cũng cho rằng, là người dân quốc gia nào, dân tộc nào cũng phải giữ được nét đẹp trong phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, trang phục để đưa văn hóa của mình đi xa hơn. Là một người mẫu chuyên nghiệp, bằng sự hiểu biết và việc làm cụ thể của mình, H’Ăng đã góp phần đưa những giá trị văn hóa của dân tộc Êđê đến với công chúng một cách chính xác hơn, đầy đủ hơn thông qua việc giới thiệu trang phục thổ cẩm Tây Nguyên ra thế giới. Có thể nói, cũng chính văn hóa tộc người đã giúp H’Ăng tỏa sáng một cách tự tin trong cái nghề mà cô đã chọn.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.