Multimedia Đọc Báo in

Lan xa tiếng nhạc Mường trên đất Tây Nguyên

14:04, 25/11/2019
Ông Bùi Văn Ngòi (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) được nhiều người quý mến gọi là “nghệ sĩ nông dân” vì ông không chỉ biết chơi và chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường mà còn chịu khó truyền dạy âm nhạc cho con cháu.

Ông Ngòi rời quê hương Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vào Đắk Lắk xây dựng kinh tế từ năm 1996. Cũng như nhiều đồng bào Mường ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo), cuộc sống của ông gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy để phát triển kinh tế gia đình. Trong cuộc mưu sinh bận rộn, vất vả, ông Ngòi vẫn dành tâm sức cho việc khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống Mường trên quê hương mới.

Một buổi sinh hoạt của ông Bùi Văn Ngòi (ngoài cùng bên phải) cùng thành viên đội văn nghệ.
Một buổi sinh hoạt của ông Bùi Văn Ngòi (ngoài cùng bên phải) cùng thành viên đội văn nghệ.

Vốn có niềm đam mê âm nhạc từ khi còn trẻ, nên dù làm ăn xa xứ nhưng chưa lúc nào ông Ngòi quên đi các làn điệu dân ca quê nhà hay tiếng sáo Ôi da diết.

Với những con người xa quê, đó chính là giá trị tinh thần mà không vật chất nào có thể sánh nổi. Thế nên, mỗi khi nhớ quê hương, nhớ người thân ông lại tấu lên những khúc nhạc thân thương từ những nhạc cụ dân tộc đặc trưng của người Mường như Cò ke, sáo Ôi, đàn Bát âm, phách...

Không chỉ biết chơi các loại nhạc cụ này, ông Ngòi còn chịu khó tìm tòi, học cách tự chế tác chúng. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông lại cặm cụi bên đống nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn và tỉ mẩn gọt, đẽo để tạo ra “hồn quê”. Ông Ngòi cho biết, mỗi loại nhạc cụ truyền thống này có cách chế tác và ý nghĩa đặc trưng riêng. Ví dụ như sáo Ôi, đặc trưng của nó là 4 lỗ, nhưng lại có 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si; khi thổi phải dùng 4 ngón tay để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của cây sáo.

Tùy từng hoàn cảnh khác nhau, người chơi sáo Ôi thổi nhanh hay chậm, vui hay buồn, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc rộn ràng tươi vui. Hay với Cò ke, đây là nhạc cụ có hai dây, là nhạc khí thuộc bộ dây, chi cung kéo, hình dáng giống đàn nhị của người Việt nhưng chế tác thô sơ hơn; thường được chơi vào những ngày lễ, dịp quan trọng. Vì thế, người chế tác phải am hiểu và đặt trọn tình cảm vào việc chế tác thì mới thành công.

Theo ông, điều cần nhất với người chế tác nhạc cụ dân tộc chính là sự kiên nhẫn và tỉ mỉ; bởi từng chi tiết của chúng đòi hỏi phải chính xác để mang lại âm thanh chuẩn, từ đó họ cũng rèn cho mình tính cẩn thận, chu đáo và có trách nhiệm với công việc. Chơi nhạc cụ làm cho tâm hồn thư thái, còn chế tác nhạc cụ giúp cho trí não được minh mẫn.

Ông Bùi Văn Ngòi trình diễn âm nhạc cho con cháu nghe.
Ông Bùi Văn Ngòi trình diễn âm nhạc cho con cháu nghe.

Với mong muốn âm nhạc dân tộc không chỉ được bảo tồn mà còn vươn xa đến nhiều người hơn, ông Ngòi đã vận động những người Mường yêu thích nghệ thuật ở trong xã thành lập đội văn nghệ. Ngoài truyền đạt những kỹ năng cơ bản về về nhạc cụ dân tộc, những làn điệu dân ca Mường, ông cũng truyền cả niềm đam mê của mình cho mọi người. Ngôi nhà đơn sơ nằm giữa bạt ngàn cây cối của gia đình ông chính là địa điểm để đội sinh hoạt, tập luyện.

Đội văn nghệ giờ có trên 40 thành viên ở nhiều lứa tuổi, luôn chịu khó tập luyện và tích cực tham gia các hội thi, hội diễn ở địa phương. Bà Bùi Thị Chính (thôn 5, xã Ea Nam) chia sẻ: “Sau những ngày lao động mệt nhọc hoặc vào những dịp lễ tết, các thành viên gặp nhau ôn lại văn hóa của cha ông không chỉ vơi nỗi nhớ quê hương mà còn trở nên thân thiết, giúp đỡ nhau nhiều hơn”.

Đáng mừng là tình yêu vốn văn hóa truyền thống còn lan tỏa đến lớp trẻ. Vào ngày nghỉ hằng tuần, các em lại tụ tập ở nhà ông để được say sưa với những khúc nhạc hay và nghe ông kể những câu chuyện về văn hóa truyền thống quê hương, khơi dậy sự đam mê và khát khao tìm về cuội nguồn.

Em Bùi Thái Dương (thôn 5, xã Ea Nam) tâm sự: “Khi được nghe ông Ngòi chơi các nhạc cụ dân tộc em rất thích nên đã xin bố mẹ theo ông học, đến nay em đã biết chơi một số nhạc cụ và sẽ cố gắng học thêm nhiều hơn nữa để hiểu hơn bản sắc của dân tộc Mường”.

Mai Sao
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.