Multimedia Đọc Báo in

Người tìm hướng đi mới cho thổ cẩm Tơng Bông

09:05, 24/11/2019

Trong khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang dần mai một thì chị H’Yam Bkrông ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn đang nỗ lực tìm mọi cách gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc bản địa nơi đây.

Được thành lập từ năm 2003, Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Tơng Bông do chị H’Yam làm chủ nhiệm mới đầu chỉ khoảng 10 xã viên. Vốn duy trì hoạt động ban đầu do chị em góp lại được chỉ được 1 triệu đồng. Số tiền ít ỏi này chỉ đủ mua 5 bộ khung dệt gỗ và mời 2 nghệ nhân trong buôn Tơng Jú hướng dẫn nghề. Đây là những bước đi đầu tiên trong nỗ lực vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê ở buôn Tơng Jú.

Nhớ về khó khăn trong những ngày đầu, chị H’Yam chia sẻ: “Các chị em xã viên của HTX chủ yếu là hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ngày đầu mới đi vào sản xuất, do tay nghề còn yếu nên rất nhiều sản phẩm làm ra bị lỗi, gần như không ai có thu nhập. HTX phải cầm cự bằng cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Mọi người gắn bó với nghề bằng cách lấy công làm lãi. Mỗi xã viên phải tự nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách mang hàng đi bán lẻ, hoặc ký gửi ở các cửa hàng lưu niệm”.

Chị H'Yam Bkrông (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật dệt cho con em của xã viên.
Chị H'Yam Bkrông (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật dệt cho con em của xã viên.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chị H'Yam đã không quản ngại khó khăn, ra Bắc vào Nam, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa cho sản phẩm thổ cẩm, chị ngược xuôi tìm kiếm mẫu mã, hoa văn, học thêm kỹ thuật thêu…

Những nỗ lực của chị cũng đã được đền đáp. Năm 2017, nhận thấy việc mở rộng và tiếp tục phát triển HTX theo mô hình chuỗi giá trị là rất cần thiết, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ HTX 50 triệu đồng để mua máy dệt thổ cẩm quy mô công nghiệp.

Nguồn hỗ trợ này giúp HTX mở rộng sản xuất, chuyển đổi sang các hình thức hiện đại hơn, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, không chỉ dừng lại ở các sản phẩm vải thô, HTX còn mở rộng sản xuất những sản phẩm mang tính ứng dụng như giày vải, ba lô, ví cầm tay, phụ kiện thời trang, khăn trải bàn, ga trải giường, đệm ghế… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã có 42 xã viên, đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có 12 chị thuộc diện hộ nghèo và trên 60 lao động làm theo mùa vụ.

Máy dệt thổ cẩm công nghiệp được đầu tư từ nguồn hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh
Máy dệt thổ cẩm công nghiệp được đầu tư từ nguồn hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao, HTX thổ cẩm Tơng Bông được hình thành từ nỗ lực duy trì nghề truyền thống đang có nguy cơ mất dần trong đời sống cộng đồng của người dân bản địa nơi đây. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước cùng với những nỗ lực gắn bó, đoàn kết của chị em xã viên, hoạt động của HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông đến nay đã đi vào ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ về những hướng đi sắp tới, chị H’Yam cho biết: HTX sẽ đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Để làm tốt điều này, HTX đang huy động tất cả mọi nguồn lực, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất; đa dạng hóa các sản phẩm dệt thổ cẩm, đồng thời tuyên truyền đến người dân ở buôn Tơng Jú và buôn Bông nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị để thu hút khách du lịch...

Năm 2010, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã đoạt được giải Cúp vàng "Vì cộng đồng thịnh vượng" của Liên minh HTX Việt Nam. Năm 2012, chị H’Yam được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KoVa khen tặng là “Tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội”. Năm 2013, HTX được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.