Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ cúng lúa giống của người Êđê

07:34, 14/12/2019

Trong hệ thống các lễ nghi theo nông lịch của người Tây Nguyên nói chung, người Êđê nói riêng, lễ cúng lúa giống là lần cúng thứ nhất nhưng cũng là giai đoạn thứ hai trong vòng đời cây lúa, sau lần đầu tiên cúng rẫy để chuẩn bị đất đai cho vụ mùa mới.

Trong lễ này, đồng bào không chỉ mời gọi, cúng thần lúa (Yang H’ri) mà còn cúng các vị thần đất (Yang êlăn), thần mưa (Yang h’yan), thần gió (Yang angin)… cầu cho mưa thuận gió hòa, giúp cho mùa màng bội thu.

Con chim trevet vừa cất tiếng gọi, người phụ nữ chủ gia đình đã lui cui nhen than, thổi bùng lên bếp lửa, chuẩn bị các lễ vật sẽ phải có trong lễ cúng. Theo tập quán luân canh, vụ đầu người Êđê thường gieo xen lúa với ngô, vụ sau là gieo lẫn các loại hạt giống bầu bí, cà, thậm chí là cả thuốc lá… nên lễ vật  sẽ bao gồm hai con gà trống tơ, một ché rượu, một chén cơm, một thúng hạt lúa giống, các loại giống cây trồng, một ống đựng hạt bằng nứa, hai cây gậy chọc trỉa, cuốc đều đặt trong một chiếc mẹt và một ghè rượu.

Thầy cúng đại diện cho gia đình làm lễ cúng lúa giống.    Ảnh: DTMN 
 Thầy cúng đại diện cho gia đình làm lễ cúng lúa giống. Ảnh: DTMN

Mặt trời lên chưa tới ngọn cây, mới ngang hông nhà, mọi việc chuẩn bị đã xong. Con gà đã chín với đầy đủ bộ lòng đặt trên mẹt bên cạnh cùng các hiện vật khác. Lễ cúng được tiến hành long trọng hai lần. Lần đầu tại gian khách (đing gar) của nhà dài.

Nghi thức đầu tiên, thầy cúng hút rượu trong ché đầu tiên ra, cắt tiết gà cho huyết chảy vào chén rượu để hiến tế và nghiêm trang khấn thần lúa cùng các vị thần mưa, thần sông, thần gió, các linh hồn những người thân trong gia đình đã khuất về chứng giám lòng thành của gia chủ. Sau khi khấn xong tại ché, chủ lễ tiến hành khấn lần hai tại mâm cúng. Mâm cúng bao gồm một bát tiết gà hòa rượu, một con gà chín, thúng giống lúa và các giống cây trồng khác, cũng không thể thiếu trầu cau, nhúm thuốc lá.

Ngân nga bổng trầm là lời khấn cầu thần lúa, các thần mưa, gió… phù hộ cho mưa thuận gió hòa, hạt lúa hạt ngô gieo xuống đất mọc lên tươi tốt. Chủ lễ ngồi bên mâm hạt giống các loại.

Thầy cúng tay cầm bát đựng rượu hòa với huyết gà, mắt  nhắm chặt, cái đầu xoay nhè nhẹ, miệng lẩm nhẩm khẩn cầu các thần: “Ơ Yang phía tây, Yang phía đông, Yang sông, Yang núi, Yang mưa,Yang mây, Yang hri, Yang atâo... Chúng tôi dâng lên các vị thần linh thiêng con gà và ghè rượu. Xin các Yang cho chúng tôi mùa vụ này mưa đều, gió nhẹ. Cho giống hạt lúa, hạt bắp, hạt bí bầu  gieo xuống đất nhanh nảy mầm chui lên. Không bị con chim con thú phá phách ăn hết. Yang cho lúa bắp đầy hạt. Bầu bí nhiều hoa trái.  Chúng tôi sẽ lại cúng các Yang nhiều hơn nữa. Ơ Yang….”.

Khấn xong ông rảy rượu lên các cây gậy chọc lỗ, ống đựng lúa giống và các loại hạt giống. Hành động ấy có nghĩa là các hạt giống và vật dụng này đều đã được các vị thần linh thiêng ban phước, phù trợ cho một vụ mùa mới an lành và bội thu.

Sau khi thầy cúng khấn xong, mọi người cùng uống rượu cần m’năm mrinh – chuyền tay, bắt đầu từ gia chủ, từ già đến trẻ, phụ nữ được uống trước rồi đến các thành viên trong gia đình. Những người tham dự cũng được mời uống để sẻ chia sự khẩn cầu và niềm vui vào mùa vụ gieo trồng cùng gia đình.

Người ta cũng có thể làm lễ cúng lần thứ hai này ngay ngoài rẫy. Khi ấy ông chủ gia đình sẽ làm một giàn cúng đơn sơ đặt ngay đầu rẫy, hoặc trước cửa căn chòi canh rẫy, trên bày đủ các lễ vật như đã nói ở trên. Cũng tuần tự như thế mà cúng. Lễ xong là lúc bắt tay vào gieo trỉa.

Với niềm tin hồn nhiên và đơn sơ vào sự chân thành của con người, sự hiển linh của các vị thần, người Êđê tin rằng sau lễ cúng lúa, các Yang đã nhận lời khẩn cầu và sẽ phù trợ cho các loại hạt giống gieo xuống nảy mầm, mùa màng năm nay tươi tốt, nhà nhà no đủ. Được vậy, đến vụ thu hoạch gia chủ sẽ sửa soạn một lễ cúng lớn hơn, con vật hiến sinh to hơn để tạ ơn.

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.