Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân của buôn làng

07:38, 28/12/2019

Giữa nhịp sống hiện đại, khi tiếng chiêng, tiếng đàn không còn rộn rã khắp các buôn xa làng gần như ngày nào thì ở xã Ea Đrông (thị xã Buôn Hồ) vẫn còn có những người ngày đêm nặng lòng với nhạc cụ dân tộc. Họ không chỉ chế tác, mà còn diễn tấu những nhạc cụ do bản thân làm ra như một cách để gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Theo lời giới thiệu của cán bộ văn hóa xã Ea Đrông (thị xã Buôn Hồ), chúng tôi đến buôn Trăp tìm gặp nghệ nhân Y Đứt Mlô (79 tuổi). Biết được ý định của khách, ông Y Đứt vui vẻ lấy ra một chiếc đing năm và say sưa thổi một hồi dài. Dứt điệu nhạc, ông miên man kể về niềm đam mê của mình...

Từ nhỏ, Y Đứt đã yêu thích các loại nhạc cụ của dân tộc Êđê. Đặc biệt, hễ thấy ai chơi đing năm là ông lại ngồi nghe mê mẩn. “Xưa, mỗi lần buôn làng vào hội, âm thanh rộn ràng của đủ loại nhạc cụ lại hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi. Đặc biệt, giai điệu từ chiếc đing năm quyện cùng câu hát Aray như có chứa men say kỳ lạ. Nó cứ thu hút, thấm dần trong tâm thức tôi. Đến nỗi, mỗi khi thấy có người chế tác đing năm, tôi lại phải bỏ hết công việc để nhìn ngắm, học hỏi làm theo", ông Y Đứt nhớ lại.

Ông Y Đứt Mlô (xã Ea Đrông, TX. Buôn Hồ) giới thiệu về chiếc đing năm do mình vừa chế tác.
Ông Y Đứt Mlô (xã Ea Đrông, TX. Buôn Hồ) giới thiệu về chiếc đing năm do mình vừa chế tác.

Theo ông Y Đứt, thời gian chế tác một cây đing năm chỉ mất khoảng 2 ngày, nhưng để có đủ vật liệu thì đòi hỏi sự kỳ công. Quả bầu phải do ông tự trồng rồi phơi khô trong 3 tháng, nứa tìm chặt trong rừng và bắt buộc phải kiếm cho được sáp ong ruồi. Ông Y Đứt cho biết: “Công đoạn khó nhất để làm đing năm chính là lưỡi gà. Nó là hồn cốt của loại nhạc cụ này. Cách làm thì đơn giản nhưng không phải người nào cũng làm được. Các đường vạch trên lưỡi gà phải thật tinh tế, độ hở phải đúng thì mới có âm thanh chuẩn. Lưỡi gà dày quá thì thổi khó, mỏng quá thì dễ bị rách, khiến âm thanh không chuẩn”.

Cũng như ông Y Đứt, nghệ nhân Y Ki Mlô (73 tuổi, ở buôn Trăp) dù tuổi đã cao nhưng vẫn không từ bỏ được niềm đam mê với các loại nhạc cụ dân tộc. Mỗi khi trong buôn có lễ hội hoặc ma chay, ông lại mang chính nhạc cụ mình làm ra diễn tấu phục vụ cộng đồng.

Ông Y Ki Mlô say sưa gảy nhạc trên cây đàn goong.
Ông Y Ki Mlô say sưa gảy nhạc trên cây đàn goong.

Ông Y Ki kể: Từ khi lên 10 tuổi, ông đã học theo cha và những người lớn tuổi trong buôn chế tác các nhạc cụ bằng tre nứa như đàn goong, đing năm, chiêng kram... Trong đó, đàn goong được ông Y Ki giới thiệu khiến chúng tôi thích thú hơn cả. Đàn goong có bề ngoài khá độc đáo, song cấu tạo lại đơn giản. Thân đàn là một ống nứa dài khoảng 80 cm, phía đầu đàn có 6 trục cắm so le nhau xuyên qua thân để lên dây. Mỗi dây mắc lên trục đàn có độ dài khác nhau để tạo ra âm tiết khác nhau.

Ông Y Ki tâm tình: “Đàn goong là người bạn thân thiết của dân tộc Êđê chúng tôi. Âm tiết của đàn giúp tạo không khí hứng khởi, vui tươi trong các lễ hội của buôn làng...”. Nói đoạn, ông Y Ki kéo cây đàn lại gần, hai bàn tay vuốt ve nâng niu, mắt lim dim chìm đắm trong điệu nhạc. Đôi bàn tay khéo léo của ông Y Ki "thổi hồn" vào từng sợi dây và thân nứa để chúng tấu lên những giai điệu rộn rã, mộc mạc mà tha thiết...

Dường như, trong âm thanh tha thiết ấy có tiếng thở dài người nghệ nhân già với nhưng nỗi niềm trăn trở...

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.