Dấu ấn của văn học – nghệ thuật Đắk Lắk
Năm 2019 là năm có ý nghĩa bản lề của tổ chức Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk: chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ VI (2015 - 2020), mở ra trang mới cho nhiệm kỳ VII (2020 - 2025, sẽ tổ chức Đại hội vào tháng 6-2020).
Chính vì vậy, năm 2019 Hội VHNT Đắk Lắk đã vượt khó tổ chức được nhiều hoạt động hiệu quả, ghi dấu ấn trong nền văn học nghệ thuật địa phương.
Trong năm Hội VHNT tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về xử lý, khai thác thông tin, phương pháp sáng tác với các văn nghệ sĩ Trung ương vào công tác tại Đắk Lắk, với văn nghệ sĩ các tỉnh bạn; qua đó giúp văn nghệ sĩ trong tỉnh nâng cao nhận thức chính trị, có thêm kinh nghiệm, tư liệu và cảm hứng sáng tác. Công tác hỗ trợ cho văn nghệ sĩ xuất bản, công bố, giới thiệu tác phẩm được lãnh đạo Hội quan tâm đúng mức (từ xây dựng quy chế sử dụng Quỹ hỗ trợ sáng tạo, đánh giá thẩm định tác phẩm, đến khâu cấp phát kinh phí và giới thiệu tác phẩm với công chúng luôn bảo đảm đúng đối tượng, công bằng; được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đánh giá là một trong những đơn vị sử dụng kinh phí hỗ trợ sáng tạo tốt nhất).
Văn nghệ sĩ Đắk Lắk đi thực tế sáng tác tại Thừa Thiên - Huế. |
Năm 2019 số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật được xuất bản, công bố nhiều nhất. Chỉ riêng văn học đã có 9 đầu sách ra mắt công chúng (trong đó văn xuôi 4 tác phẩm, thơ 5 tác phẩm).
Đáng chú ý nhất là tiểu thuyết “Đại ngàn” của nhà văn Lê Khôi Nguyên, một tiểu thuyết đồ sộ nhất tỉnh ta từ trước đến nay (758 trang) phản ánh một giai đoạn lịch sử quan trọng của Đắk Lắk sau giải phóng, với rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, như xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vận động đồng bào tham gia các tập đoàn sản xuất, các hợp tác xã, gia nhập nông trường quốc doanh...
Đọc tiểu thuyết này chúng ta sẽ thấy được cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ để vượt thoát, đi lên của một vùng đất, thấy được bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa và tấm lòng yêu thương trân trọng của tác giả với vùng đất mình đang sinh sống.
Bên cạnh đó, hai cuốn “Cảm bình thơ chương trình tiểu học” (tập 1, 2) của nhà thơ, nhà phê bình Lê Thành Văn cũng được bạn đọc (nhất là các thầy cô giáo) đánh giá cao bởi nó thực sự có ích cho giáo viên và học sinh tiểu học, giúp người đọc hiểu sâu thêm nội dung và vẻ đẹp của tác phẩm bằng lối viết dung dị, đầy cảm xúc.
Về thơ, đáng chú ý nhất là tập thơ “Những giấc mơ trôi dạt” của nhà thơ Trần Văn Hội. Đây là tập thơ có lối viết khá mới mẻ, thể hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm về xã hội, về cuộc đời, về tình cảm yêu thương, trân trọng của tác giả với những người thân yêu, với bạn bè, đồng nghiệp.
Tiểu thuyết Đại ngàn của nhà văn Khôi Nguyên. |
Ở các chuyên ngành khác, nổi bật nhất vẫn là mỹ thuật và nhiếp ảnh. Đây là những chuyên ngành mà Đắk Lắk vốn có thế mạnh từ nhiều năm nay, năm nào cũng giành giải cao trong các cuộc thi khu vực và cả nước.
Các nhiếp ảnh gia như Vương Quốc Kim, Đào Thọ, Nguyễn Hương Vượng, Bảo Hưng, Lê Quang Khải, Tôn Thất Tuấn Ninh... vẫn là những tay máy chủ lực của tỉnh nhà. Họ tham gia nhiều cuộc thi ảnh trong, ngoài nước và giành được trên 30 giải thưởng. Đồng thời các tay máy mới xuất hiện trong những năm gần đây như Trần Thị Mùi, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Duy Thương cũng gặt hái nhiều thành tựu tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh.
Các họa sĩ Lê Vấn, Y Nhi Ksơr, Ngô Tiến Sĩ, Trương Văn Linh, Nguyễn Tân, Hồ Hậu, Trần Thanh Long, An Quốc Bình... tiếp tục có nhiều tác phẩm được chọn triển lãm và đoạt giải cao trong nhiều cuộc thi. Nổi bật là họa sĩ Lê Vấn, trong năm qua anh đã có nhiều tác phẩm màu nước được triển lãm ở một số quốc gia và các tỉnh bạn, được đánh giá cao về trình độ chuyên môn và cảm xúc nghệ sĩ qua từng nét cọ; qua đó người xem thấy hiện về cả một giai đoạn lịch sử, văn hóa của vùng đất Đắk Lắk những năm đầu sau giải phóng với những công cuộc khai phá đất đai, mở làng mới, phát triển sản xuất...
Về âm nhạc, ngoài những tên tuổi đã được khẳng định như Linh Nga Niê Kđăm, Y Phôn, Mạnh Trí, Sĩ Hùng, Huỳnh Ngọc La Sơn, Lê Nhật Thanh, Quang Dũng, Nguyễn Văn Hạnh, những năm gần đây đã xuất hiện thêm một số tác giả trẻ và bắt đầu gây được chú ý như Y Moan Hmok, Châu Phan, Hồ Tuấn... Năm 2019, các tác giả này tiếp tục có một số ca khúc đoạt giải của Hội VHNT tỉnh, được dư luận đánh giá cao.
Trong năm 2019, Hội VHNT đã phối hợp với ngành Công an tổ chức Cuộc vận động viết bút ký chủ đề “Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; phối hợp với Bộ đội Biên phòng đi thực tế ở các đồn biên phòng; phối hợp với các huyện mở trại sáng tác... Qua đó cũng góp phần phát hiện thêm một số cây bút có khả năng viết ký văn học tương đối tốt như Trần Thị Ánh Nguyệt, Trọng Hiến, Bích Thiêm... Từ các chuyến đi trên, văn nghệ sĩ trong tỉnh đã có gần 200 tác phẩm được đăng tải trên báo, tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Điều đó chứng minh các hoạt động của Hội có hiệu quả cao, thiết thực.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc