Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo âm nhạc dân gian Êđê Drao…

17:18, 24/01/2020

Thảo nguyên M’Đrắk, nơi mà nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Y Moan đã say đắm thốt lên, rằng “Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời.

Xa xăm ngọn Cư Prong, xa xăm biển trời” (*), là vùng đất của các nhóm tộc người Êđê Drao, Blô, Adham ở địa đầu phía Đông tỉnh Đắk Lắk. Đây là những nhóm địa phương tương đối ít dân của tộc người Êđê; trong đó nhóm Drao được coi là có số dân ít nhất. 

So với các vùng khác trong tỉnh, M’Đrắk mưa muộn nên khi gió xuân tràn về trên các đồng cỏ thì những cánh rừng cà phê, cao su đã no nê sau một mùa mưa kéo dài.

Thuở xa xưa, đến đây sáng sáng trên đồng cỏ có thể bắt gặp phập phồng hơi thở của kèn lá h’la, kèn cọng bí buôt pleh trong đám trẻ mục đồng; chiều về, những âm điệu dìu dặt du dương của tiếng kèn đing năm đi sau, quấn quít như nâng bước chân những người phụ nữ cõng con đằng trước ngực, gùi nặng đeo sau lưng trên đường về buôn.

Hoặc dưới những mái nhà sàn dài ảo mờ khói bếp vương vấn, bên ghè rượu cần, có thể nghe đến mê say những câu dân ca Êđê nồng nàn, rằng “Em ơi ướt váy ta phơi cành cây Tung. Ướt người ta cùng sưởi bên lửa hồng”; hay lời đối đáp dí dỏm ở những cuộc thăm hỏi chuyện trò “Đố em con chim kut ku đuôi dài trốn ở đâu?”.

Ở thêm một đêm quanh bếp lửa hồng tỏa ấm nhà dài sẽ được nghe những người già ngân nga câu hát kể về những dũng sĩ Dam San, Dam Di hùng cứ một phương trong klei aghan. Trên tất cả, bộc lộ rõ nét tâm hồn và tính cách Êđê là nhịp điệu sôi động liên tục với tiết tấu cực nhanh khó lẫn với bất cứ tộc người nào của dàn ching knah.

May mắn hơn, vào mùa xuân bạn được gặp một lễ bỏ mả chia tay linh hồn người quá cố, sẽ được chứng kiến dáng vẻ kiêu hãnh mà mềm mại của những người phụ nữ trung niên như bay lên trong điệu múa Chim grứ phiơr đưa tiễn. Hoặc gặp lễ ăn cơm mới vào mùa  “ăn năm uống tháng” sẽ được nghe, được nhìn thấy bước chân và nhịp trống vỗ rộn ràng trong múa tap h’gơr dẻo dai của những lão niên… Đó cũng chính là không gian diễn xướng của nghệ thuật dân gian Êđê Drao. 

Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng trong lễ cúng bến nước của người Êđê Drao
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng trong lễ cúng bến nước của người Êđê Drao.

Cũng như nhóm người Êđê Kpă ở xung quanh TP. Buôn Ma Thuột, người Êđê nhóm Drao tại các huyện M’Đrắk và Ea Kar cũng có hoạt động nghệ thuật diễn xướng đa dạng. Môi trường diễn xướng của nghệ thuật dân gian diễn ra trong các không gian lễ thức theo ba hệ thống nông lịch, vòng đời và các mối quan hệ xã hội. Tùy theo mức độ lớn nhỏ của lễ thức, mức độ giàu nghèo của gia chủ mà các hình thức diễn xướng trở thành hội hoặc đơn thuần chỉ là trong lễ, theo quan niệm của tôn giáo tâm thức thực hành vạn vật hữu linh. Trong lễ và hội đều có trình diễn nghệ thuật diễn xướng dưới nhiều hình thái khác nhau như đàn, hát, múa… Người Êđê nhóm Drao cư trú tập trung cận kề với các nhóm Êđê Adham và Êđê Mthuar - là hai nhóm có nhiều sự gần gũi với văn hóa truyền thống tộc người J’rai, song âm nhạc thì tương đồng rõ nét với người Êđê Kpă từ tên gọi các loại nhạc cụ đến giai điệu. Điều này cũng thể hiện rõ tính đồng nhất của cộng đồng Êđê tại các vùng ở Đắk Lắk, Phú Yên.

Âm nhạc dân gian Drao bao gồm diễn tấu ching, tấu nhạc cụ  tre nứa và các bài hát dân ca.

Dàn ching knah, hay còn gọi là ching char của người Êđê Drao không khác gì với dàn ching của người Êđê Kpă, nghĩa là gồm 10 chiếc, về hình dạng nguyên bộ là phải bỏ lọt trong nhau, với 7 chiếc ching không có núm và 3 chiếc có núm, diễn tấu song hành cùng trống h’gơr. Trong các lễ nghi, lễ thức của cộng đồng, ching knah là phương tiện, là ngôn ngữ giao lưu với các vị thần linh thiêng, với thiên nhiên và với cả con người. Điều khiển sự ra vào, ngừng nghỉ, chuyển tiết tấu, chuyển bài bản là trống h’gơr. Gần đây bà con hầu như chỉ dùng tấu có 6 ching bằng và 1 ching núm, dễ di chuyển. Tên gọi của dàn ching knah  chia làm hai nhóm âm thanh đối đáp và đối lập với nhau, nhóm mềm mại mang tính nữ - hliang, và nhóm cứng cáp mang tính nam - khơk. 

Nhạc cụ dân gian của người Êđê Drao gần như được chế tác hoàn toàn bằng tre nứa, gỗ - là những thứ cây mọc tràn trên mảnh đất bazan, hoặc bằng sừng các con thú móng guốc. Hệ thống các nhạc cụ truyền thống của người Êđê Drao tương đồng với đa số nhạc cụ của các tộc người khắp khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, cũng không khác mấy so với các nhạc cụ của người Êđê Kpă, nhưng số lượng có phần ít hơn. Có thể chia làm ba nhóm: nhóm các nhạc cụ gõ như trống,  ching kram (ching tre), đing pah…; nhóm các cụ dùng hơi thổi như đing năm, đing puốt, đing tút, đing tăk tar, ky pah… ÂM NHẠC DÂN GIAN ÊĐÊ DRAO…TCác nghệ nhân trình diễn cồng chiêng trong lễ cúng bến nước của người Êđê DraoẢnh: L.NGAvà  nhóm các nhạc cụ dùng tay gảy như goong, brố, goč (đàn môi). 

Ngày nay, nghệ thuật diễn xướng Êđê Drao mai một khá nhiều. Đơn cử như tại buôn Um (xã Krông Jing) hàng chục năm nay không tổ chức lễ lạt gì theo phong tục, mọi sự kiện diễn ra tại cộng đồng (tang ma, cưới hỏi, dựng nhà, chúc mừng con trẻ, người già…) đều theo cách thức của người Kinh; thậm chí trong buôn không còn một bộ ching knah nào, không có người biết chế tác và diễn tấu nhạc cụ tre nứa. 

Mong lắm một ngày, các nhạc cụ dân gian Êđê Drao được phục hồi. Chiều chiều trên đường về buôn lại phập phồng tiếng đing năm hay đing buốt. Ngoài bãi chăn bò lại vang tiếng kèn lá hla, kèn buôt pleh. Cả những câu hát K’ưt mênh mông hay điệu Arei rộn ràng những đêm ấm nồng men rượu cần bên bếp lửa nhà dài. Lại được mời bạn bè gần xa ghé M’Đrắk, nơi “đêm đêm cha tôi kể  aghan, mơ Dam San trở về”. Để rồi bạn và tôi cùng “bay trong ngàn vì sao, khắp đất trời thảo nguyên” (*) giữa đất trời lồng lộng gió mùa xuân...

(*) Bài hát “Ơi M’Đrắk” của Nguyễn Cường

Linh Nga Niê Kdăm

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.