Độc đáo ẩm thực Tây Nguyên
Hương vị của núi rừng
Tây Nguyên nổi tiếng với văn hóa ẩm thực nhờ vào những nguyên liệu từ thiên nhiên. Từ ngàn xưa, cuộc sống của người DTTS ở Tây Nguyên gắn bó với núi rừng, bởi thế họ biết tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú ấy, biến chúng thành món ăn trong đời sống thường ngày. Dựa vào kinh nghiệm từ ngàn đời đúc kết lại, họ đã tạo ra nhiều món ăn ngon từ những loại lá cây rừng, mà nổi bật nhất có lẽ phải kể đến món gỏi lá.
Đây là món ăn được ví như tinh hoa của núi rừng Tây Nguyên bởi nó được làm từ gần 60 loại lá mọc trên vùng đất đỏ bazan. Để có thể kiếm đủ nguyên liệu làm nên món ăn này, người thu gom phải vất vả đi vào sâu trong rừng từ sáng sớm để có thể tìm được các loài lá mà chỉ rừng Tây Nguyên mới có như: lá ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, lá trâm, từ đại bi… hay các loại lá dễ tìm hơn ở gần nhà như: lá sung, lá ổi, lá xoài, đinh lăng, lá mơ, lá cải...
Chị H’sơr ở tỉnh Kon Tum (bên phải) đang chuẩn bị cho món gỏi lá tại Hội thi ẩm thực Tây Nguyên năm 2019. |
Đúng như tên gọi của nó, món gỏi lá nhìn vào chỉ thấy toàn…lá, với đủ sắc độ xanh, nào xanh thẫm, xanh non, xanh nhạt, xanh già đến màu xanh pha tía của đủ loại lá non… Gỏi lá ăn chung với thịt ba chỉ thái mỏng, tôm luộc, bì heo thái sợi trộn với riềng giã mịn và gia vị. Phải có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên thì mới đúng điệu. Điểm nhấn của món gỏi lá này là nước chấm. Đây không phải nước mắm hay nước tương thông thường mà được đặc chế từ hèm rượu, mới nhìn qua như cháo đặc có màu vàng nghệ. Cách thức ăn gỏi cũng là một nghệ thuật, khi ăn cuốn lá thành phễu để chứa các loại lá và phụ gia, thường người ta không cuốn hết 60 loại lá mà mỗi lần cuốn sẽ chọn những loại lá khác nhau tùy theo sở thích, sau đó múc một thìa nước chấm rải đều lên trên phễu rồi bỏ hết cuốn gỏi vào miệng một lần. Càng nhai kỹ, càng cảm nhận được nhiều hương vị, có khi là vị chua chua, cay cay, lúc lại chan chát, bùi bùi, nồng thơm hòa quyện.
Ẩm thực Tây Nguyên gắn liền với cuộc sống canh tác ven rừng, bên suối và nương rẫy của bà con. Nó vừa dân dã lại vừa đặc biệt, tạo nên đặc trưng rất riêng và ấn tượng, khó có thể lẫn với bất kỳ ẩm thực vùng miền nào. |
Ngoài món gỏi lá, những món ăn dân dã từ cà đắng, lá tàu bay, lá bép, đọt mây, măng le, cá, ốc… được hái lượm, đánh bắt từ núi rừng, sông suối sẽ khiến người thưởng thức có thể cảm nhận được hương vị của núi rừng Tây Nguyên một cách chân thực nhất. Với mỗi dân tộc nơi đây, sẽ có một vài loại lá chủ đạo để chế biến thành nhiều món ăn và mang lại hương vị khó quên cho ai từng một lần thưởng thức.
Từ dân dã vươn lên tầm đặc sản
Ẩm thực của đồng bào DTTS Tây Nguyên là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những cách chế biến, nấu nướng hết sức đặc biệt. Nhiều món ăn vốn dân dã và được sử dụng trong bữa cơm hằng ngày của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, nhưng chính nhờ điều khác lạ trong cách chế biến cũng như hương vị độc đáo mà nó đã có mặt trong nhiều nhà hàng ở Tây Nguyên, trở thành đặc sản và được giới thiệu với khách gần xa.
Mâm cơm với những món ăn dân dã của người Êđê. |
Như món gỏi lá, chính nhờ vào sự đa dạng của các loại lá, khi ăn tạo sự mát mẻ, đánh thức vị giác của người thưởng thức nên đã trở thành một đặc sản nức tiếng ở núi rừng Tây Nguyên. Món gỏi lá đã được công nhận top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực Châu Á lần thứ 2 năm 2013. Hay những món ẩm thực gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào DTTS Tây Nguyên cũng đã khẳng định được vị thế của mình, như bản “tam tấu” rượu cần-cơm lam -gà nướng của Đắk Lắk đã đoạt giải Nhất tại Liên hoan Ẩm thực được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4-2016.
Ẩm thực của đồng bào dân tộc tại chỗ các buôn làng giờ đây xuất hiện thường xuyên trong bữa cơm của nhiều gia đình ở phố thị. Đó chỉ là những thực phẩm thông thường như rau, củ quả nhưng sạch và lạ, bởi vậy được nhiều người “săn lùng” và mang đến cho bà con một nguồn thu nhập khá. r
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc