Mỹ thuật Đắk Lắk và bước chuyển thế hệ
Nghiêm túc, đam mê trong lao động sáng tạo, các họa sĩ Đắk Lắk đã gặt hái được những thành công nhất định, tích cực tìm lối đi riêng trên hành trình đến với nghệ thuật sắc màu.
Bước chuyển mình
Những ngày đầu sau giải phóng, một số họa sĩ được điều động tăng cường vào Đắk Lắk đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu.
Hoạt động mỹ thuật thời điểm đó, chủ yếu vẽ tranh tuyên truyền, panô, áp phích… cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào xây dựng cuộc sống mới. Có thể kể đến một số họa sĩ tiêu biểu như: Nguyễn Văn Tựu, Nguyễn Văn Bỉ, Lê Văn Hòa, Đoàn Ngọc Dũng, Mô Lô Hưu, Chu Thị Thành.
Họa sĩ trẻ Đắk Lắk đi sáng tác thực tế. |
Năm 1990, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk thành lập, trong số hơn 40 hội viên ban đầu chỉ có 4 hội viên thuộc chuyên ngành Mỹ thuật là: Mô Lô Hưu, Lê Vấn, Lê Bá Điều, Đoàn Ngọc Dũng, sau đó kết nạp thêm nhiều hội viên mới vào Chi hội Mỹ thuật. Từ đây, hoạt động mỹ thuật của tỉnh bắt đầu đi vào ổn định, bài bản, tập trung hơn, tạo môi trường cho các họa sĩ thử sức, “đọ tài”, cọ sát với nhiều cuộc thi, triển lãm...
“Điều đáng quý là tại mỗi bước chuyển giai đoạn, các họa sĩ trẻ luôn nhận được sự quan tâm, dìu dắt của các họa sĩ thành danh. Trong khi thế hệ đi trước vẫn còn sung mãn sáng tác thì lớp họa sĩ trẻ cũng tiếp nối đam mê, từ đó tạo sự liền mạch, kế thừa, không bị “gãy khúc” trong suốt tiến trình của đời sống mỹ thuật Đắk Lắk.
Họa sĩ Hồ Văn Hậu, Chi hội Trưởng Chi hội Mỹ thuật - Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk
|
Những năm trở lại đây, đời sống mỹ thuật Đắk Lắk trở nên sôi động. Ngoài hoạt động của Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk) còn có hoạt động của Chi hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các nhóm họa sĩ riêng lẻ. Sự góp mặt của các họa sĩ sinh vào cuối những năm 70, trẻ hơn nữa là thế hệ 8x, 9x đã thổi luồng gió mới cho mỹ thuật.
Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin dễ dàng, xóa mờ ranh giới địa lý đã tác động đáng kể tới hoạt động sáng tác: các trào lưu, xu hướng mới được cập nhật thường xuyên, nhanh chóng.
Tìm lối đi riêng
Mỹ thuật Đắk Lắk đang ngày càng khẳng định vị thế của mình - không chỉ giới hạn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà trong cả nước. Nhiều họa sĩ đã định hình phong cách sáng tác, tạo được danh tiếng trong giới mỹ thuật, như: họa sĩ Đàm Đăng Lại, Lê Vấn, Y Nhi Ksor, Trần Thanh Long…
Tiếp nối niềm đam mê của thế hệ đi trước, các họa sĩ trẻ với sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn thể hiện sự mới lạ, những ý tưởng độc đáo, cách nhìn mới về các giá trị trong cuộc sống đương đại. Bên cạnh mảng đề tài “truyền thống” là khai thác về văn hóa, con người, vùng đất Tây Nguyên, nhiều họa sĩ đã tích cực thử nghiệm, phản ánh trực diện những vấn đề nhức nhối thường nhật, cái bản ngã trong mỗi con người… Một số họa sĩ đã tương đối thành công trong con đường mình lựa chọn, như: nhà điêu khắc Nguyễn Tân, các họa sĩ An Quốc Bình, Hồ Văn Hậu, Trương Văn Linh, Ngô Tiến Sỹ, Nông Hoàng Chiến…
Công chúng tham quan Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 24 năm 2019 tại Đắk Lắk.. |
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương đánh giá: Đắk Lắk là một trong những địa phương tạo được những dấu ấn và có sự trưởng thành, phát triển nổi bật về mỹ thuật của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tin rằng mỹ thuật Đắk Lắk sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong hành trình tự khẳng định mình.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc