Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp thư pháp Việt

07:13, 29/01/2020

Ngày nay, hình ảnh ông đồ không còn phổ biến nhưng nghệ thuật viết thư pháp vẫn là món quà tinh thần không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến Xuân về ở TP. Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, gần đây môn nghệ thuật này còn được thể hiện trên nhiều chất liệu với phong cách đa dạng.

Từ mực Tàu, giấy đỏ...

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dạy học nên từ nhỏ hình ảnh ông đồ mặc áo dài, khăn đóng bày mực Tàu, giấy đỏ với chòm râu bạc ngồi viết thư pháp đã in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Ngọc Thọ (SN 1942) ở tổ dân phố 5 (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột).

Năm 1968, ông Thọ bắt đầu làm quen với nghệ thuật thư pháp. Càng tìm hiểu, nghiên cứu sâu, ông lại càng say mê bộ môn này. Để có được một bức thư pháp đẹp, có hồn, ông Thọ phải trải qua quá trình khổ luyện. Mỗi ngày, sau những buổi lên lớp dạy tiếng Anh cho học trò ông Thọ lại lặn lội hàng chục cây số đến các đền, chùa để chiêm ngưỡng những bức đại tự, hoành phi, câu đối, sau đó về nhà tự rèn luyện bút pháp mà không qua một trường lớp nào.

Khách du xuân xin chữ đầu năm.
Khách du xuân xin chữ đầu năm.

Trải qua một thời gian dài khổ luyện, ông Thọ đã tích lũy cho mình vốn kiến thức vừa đủ để có thể phát huy hơn nữa nghệ thuật thư pháp. Trong căn nhà nhỏ của ông có đến cả trăm bức thư pháp, câu đối do chính ông sáng tạo ra. Mỗi tác phẩm ra đời không chỉ để ông răn dạy con cháu, tu dưỡng chính bản thân mình mà còn mang giá trị nghệ thuật cao.

Ông Thọ cho biết, muốn thực hiện được một tác phẩm thư pháp đẹp, người viết phải nắm được tiêu chí cơ bản về đường nét, bố cục, đặc biệt cần sự tập trung cao độ. Người viết có tính cách kiên trì nhẫn nại, hay nóng vội, tự cao đều thể hiện qua nét bút của mình.

... Đến khắc chữ thư pháp

Ngày nay, thư pháp không đơn thuần là viết trên giấy truyền thống mà còn được thể hiện sinh động trên nhiều chất liệu khác nhau như: tre, gỗ, đá, trái cây… Tất cả đều được trang trí bắt mắt, ấn tượng và rất tiện dụng để khách hàng mua làm quà tặng, chưng Tết.

 Có kinh nghiệm gần 4 năm khắc thư pháp trên trái cây, chị Nguyễn Hải Yến ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) quan niệm, thư pháp là viết chữ đẹp, người viết được tự do sáng tạo mà không ràng buộc trong khuôn khổ, thông qua chữ viết gửi gắm vào đó những ước nguyện tốt đẹp nên không nhất thiết phải viết bằng bút lông trên giấy mới gọi là thư pháp.

Các em nhỏ phấn khởi sau khi xin được chữ  đầu xuân.
Các em nhỏ phấn khởi sau khi xin được chữ đầu xuân.

Nghệ thuật khắc thư pháp trên trái cây đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Trước tiên, chị Yến phải dùng bút dạ quang viết thư pháp lên vỏ trái cây, sau đó dùng mũi dao nhỏ để lấy dấu, cuối cùng là dùng dao có lưỡi bầu để cạo lớp vỏ xanh của quả theo nét bút đã viết.

Qua bàn tay khéo léo, sáng tạo của chị Yến, những nét chữ mềm mại, uốn lượn cùng họa tiết cánh đào, hoa mai, cỏ cây bắt mắt tưởng chỉ có thể tạo ra bằng cọ và trên trang giấy giờ lại xuất hiện sinh động trên trái cây để lại ấn tượng đặc biệt cho người mua.

Chị Yến cho biết, mặc dù có giá bán cao hơn 2 - 3 lần so với hoa quả thông thường nhưng các loại trái cây thư pháp như: bưởi, dưa hấu, dừa, dưa lưới đều rất hút khách vào dịp Tết Nguyên đán. Trung bình những ngày cận Tết, chị Yến cung ứng ra thị trường trên 400 tác phẩm thư pháp độc đáo, giúp mâm ngũ quả của các gia đình thêm phần rực rỡ và trang trọng.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.