Multimedia Đọc Báo in

Say men vị rượu cần

06:08, 28/01/2020

Mỗi độ Xuân về, trong nhà của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không thể thiếu rượu cần. Đó là thức uống mang lại niềm vui, sự may mắn, thể hiện tính cộng đồng của những người dân bản địa.

Men say của đại ngàn

Những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ chắc chắn sẽ không thể bỏ qua một lần thưởng thức hương vị men say của đại ngàn qua ché (chóe) rượu cần của đồng bào dân tộc nơi đây. Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, được lấy từ những vị cây rừng. Truyền thuyết của người Êđê kể rằng, từ thời xa xưa mông muội, có một vị thần được Yàng phái xuống giúp con người biết đến trồng trọt, chăn nuôi, làm ăn sinh sống, lại dạy họ cách nấu rượu để uống trong các ngày vui, lễ Tết. Từ đó rượu cần trở thành vật linh thiêng, quan trọng và uống rượu cần trở thành phong tục của đồng bào nơi đây.

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xê Đăng ở buôn Kon Hring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar).
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xê Đăng ở buôn Kon Hring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar).

Mỗi dân tộc có bí quyết làm rượu cần khác nhau, nhưng đều làm từ nguyên liệu  gắn bó mật thiết với đời sống sản xuất của con người như: gạo, nếp, ngô, sắn... Điều làm nên sự đặc biệt ở rượu cần chính là men rượu, chúng thường được làm từ những sản vật của núi rừng như: bột gạo, bột ớt, củ riềng dại, kê, một số thứ lá và rễ cây rừng… Tùy vào men và tay nghề của người làm sẽ cho ra hương vị rượu cần mang đặc trưng khác nhau.

Đến Tây Nguyên vào mùa lễ hội, tết hoặc có dịp ngồi lại bên nhau, người dân ở các buôn làng thường đưa rượu cần ra để đãi khách. Trong những lễ hội lớn, họ đánh cồng chiêng, nhảy múa, ca hát rồi uống rượu cần. Hình ảnh mọi người nắm tay nhau nhảy điệu xoang quanh ánh lửa bập bùng, cùng nhau vít cần rượu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của miền nắng gió.

Vui ché rượu đầu Xuân

Uống rượu cần đã trở thành phong tục và là nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Theo quan niệm của đồng bào thì rượu cần mang lại niềm vui, sự tốt lành nên đây là thức uống cho cả gia đình, người già, người trẻ đều được uống. Rượu cần ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, có vị ngọt đắng, uống vào luôn có cảm giác nồng ấm, sảng khoái, nó sẽ càng ngon hơn nếu được đựng trong ché quý. 

Từ nhiều tháng trước Tết, dù bận rộn đến đâu, đồng bào Tây Nguyên cũng cố gắng làm những ché rượu cần to nhất, ngon nhất để kịp dâng lên Yàng khi Tết đến. Vào dịp năm mới, khi có khách đến chơi nhà, chủ nhà sẽ thay mặt cả gia đình chúc khách mọi điều tốt đẹp nhất sau đó mời rượu khách. Ché rượu cần được đặt giữa nhà, buộc chặt vào cây cột bằng gỗ hoặc  tre, lấy lá chuối bịt đầy miệng ché rồi cắm cây cần vào. Chủ nhà múc nước lã đổ vào tràn ché, uống một ngụm trước để tỏ lòng chân thành rồi đưa cần mời khách. Cứ thế, chủ - khách ngồi xếp chân vòng tròn quanh ché rượu, vít cong cần hút say sưa, rượu vơi đến đâu, chủ nhà múc nước thêm vào đến đó.

Rượu cần ngày Tết không uống để say, mà đó là dịp để mọi người cùng bàn chuyện làm ăn, chia sẻ tâm tư tình cảm, kinh nghiệm trong cuộc sống sau một năm làm lụng vất vả. Nhiều cặp trai gái quanh ché rượu cần đầu Xuân có dịp thổ lộ tâm tình, yêu thương thầm kín. Ché rượu cần là nhịp cầu, khiến cho người xa lạ hóa gần gũi, trò chuyện cởi mở,  xóa nhòa ranh giới chủ và khách, đây cũng là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Uống rượu cần còn thể hiện sự gắn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, nhất là trong dịp đầu xuân năm mới. Thứ rượu không nấu mà làm say lòng người ấy khiến ngày Tết càng thêm đậm đà, ý vị.

Ngày nay, rượu cần không chỉ là đồ uống đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà nó đã xuất hiện rất nhiều và được yêu thích ở chốn thị thành, trong những cuộc vui liên hoan, trong những đêm lửa trại của sinh viên, thanh niên. Rượu cần được kinh doanh, bày bán như một cách giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa.

Rượu cần là một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, có mặt trong các dịp lễ tết, các sự kiện trọng đại của buôn làng, gia đình.

Nguyễn Huyền

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.