Multimedia Đọc Báo in

Khi người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn di tích

10:24, 08/02/2020

Sau 30 năm được phát hiện, phế tích kiến trúc Chăm tại thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông đã được khai quật, thu về nhiều hiện vật.

Phế tích kiến trúc Chăm nằm trong phần đất của nhà ông Nguyễn Vĩnh Thành (thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông). Năm 1989, trong khi san lấp mặt bằng làm nhà, gia đình ông Thành phát hiện dấu hiệu của phế tích nên đã trình báo lên cơ quan chức năng. Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Đắk Lắk khảo sát, bước đầu xác định đây là “Ngôi mộ Chăm”, có niên đại khoảng thế kỷ 15-16. UBND huyện Krông Bông đã ra Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 27-3-1989 về việc “Bảo vệ di tích lịch sử để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, làm giàu đẹp thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc".

Khai quật di chỉ khảo cổ phế tích Chăm tại thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông.
Khai quật di chỉ khảo cổ phế tích Chăm tại thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông.

Từ đó đến đầu năm 2019, phế tích này vẫn được giữ nguyên hiện trạng nhờ sự gìn giữ và bảo quản của ông Thành cùng gia đình. Ông Thành cho biết, khi san lấp mặt bằng để làm nhà, ông phát hiện ra gạch có cấu trúc lạ, khi đem so sánh với gạch những xã gần kề thấy sự khác biệt nên đã báo lên chính quyền. Sau khi cơ quan chức năng cho biết đây là phế tích gạch của người Chăm, ông cùng gia đình đã gìn giữ cho đến ngày nay. Để phế tích không bị xâm hại, ông rào khu phế tích lại, làm một lối đi riêng để không ảnh hưởng.

Gia đình ông Nguyễn Vĩnh Thành được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có công gìn giữ di chỉ khảo cổ phế tích Chăm tại thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông.

Nhờ nỗ lực của ông Thành và gia đình, vào tháng 3–2019, khi Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông và UBND xã Hòa Sơn tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học này, đã làm rõ được mặt bằng kiến trúc. Kiến trúc cho thấy đây là móng của một kiến trúc gạch được xây dựng vững chắc. Mặt bằng kiến trúc chính có hình chữ nhật theo hướng Bắc – Nam; dài 5,3 m, rộng 2,5 m. Hệ thống tường xây gạch nhiều lớp, chiều cao còn lại từ 0,9 m đến 1,04 m, gồm 7 lớp gạch xây xếp tạo nên. Qua khai quật thu được 615 hiện vật gốc (trong đó bao gồm mảnh gốm, viên gạch lành, viên gạch vỡ).

Trong báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh nhận định có thể đây là một phế tích kiến trúc được xây dựng trong lịch sử vùng đất mà chủ nhân là người Chăm. Dựa vào bình đồ kiến trúc hình chữ nhật, quy mô kiến trúc không lớn, không gian lòng hẹp, có hệ thống cửa mở ra bên ngoài, bước đầu xác định đây có thể là một loại hình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là kiến trúc đền, miếu thờ. Các hiện vật thu được như cốc chân cao, chân đèn gốm cho thấy giả thiết chức năng thờ của kiến trúc này là đáng tin cậy. Căn cứ vào hiện vật được phát hiện như gạch, đồ gốm có thể xác định kiến trúc này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14-15.

 Gia đình ông Nguyễn Vĩnh Thành gìn giữ  di chỉ  khảo cổ phế tích Chăm  trong suốt 30 năm.
Gia đình ông Nguyễn Vĩnh Thành gìn giữ di chỉ khảo cổ phế tích Chăm trong suốt 30 năm.

Ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, đợt khai quật này vừa giúp Bảo tàng tỉnh bổ sung thêm các hiện vật để phục vụ tốt hơn công tác tham quan cũng như nghiên cứu văn hóa Chăm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Bởi trước đây dù có rất nhiều hiện vật khảo cổ, nhưng chủ yếu là đồ đá, các hiện vật Chăm cũng rất hạn chế.

Đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh đứng ra khai quật di tích, điều này đã đánh dấu bước tiến mới, chủ động trong việc khai quật những di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Vì ngay trên vùng đất Krông Bông, Đoàn khảo cổ cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát một số địa điểm theo báo dẫn của người dân địa phương và thông tin khoa học của cán bộ chuyên môn, đã phát hiện nhiều phế tích kiến trúc Chăm ở xã Hòa Thành, Ea Trul... Đặc biệt, tại vườn nhà ông Trần Văn Long, nhà ông Nguyễn Kim Quý… ở thôn 4, xã Hòa Tân.

Hiện vật tại di chỉ khảo cổ phế tích Chăm tại thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông.
Hiện vật tại di chỉ khảo cổ phế tích Chăm tại thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông.

Nhằm gìn giữ những phế tích Chăm đã được phát hiện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông đã tham mưu với UBND huyện và làm việc với UBND các xã có phế tích, vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị cũng như việc bảo tồn, gìn giữ di tích.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.