Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống ở Cư Kuin

09:26, 20/02/2020

Với 16 dân tộc sinh sống ở 113 thôn, buôn (chiếm 32% dân số toàn huyện), huyện Cư Kuin được xem là địa phương có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của nhiều vùng miền, cần được bảo tồn.

Lễ cúng cơm mới là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Êđê để cảm tạ trời đất đã cho họ mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy bồ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà từ nhiều năm nay, nghi lễ này không còn được tổ chức bài bản.

Để bảo tồn nét đẹp văn hóa có nguy cơ mai một này, cuối năm 2019, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Kuin đã phối hợp với UBND xã Ea Tiêu tổ chức phục dựng lễ hội mừng cơm mới theo đúng tục lệ của người Êđê, thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Nhờ vậy, đồng bào Êđê ở buôn Kram, xã Ea Tiêu đã có lễ cúng cơm mới quy củ, bài bản, góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một nghi thức trong Lễ cúng cơm mới của người Êđê được phục dựng ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.
Một nghi thức trong Lễ cúng cơm mới của người Êđê được phục dựng ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.

Còn với người dân xứ Huế đang sinh sống tại xã Ea Hu, Lễ hội đua thuyền được tổ chức vào dịp Tết đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của họ. Cứ đúng mùng 6 Tết âm lịch, người dân lại nô nức tập trung tại hồ thủy lợi của xã để cổ vũ các đội đua. Theo ông Nguyễn Kim May, Chủ tịch UBND xã Ea Hu, tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương luôn duy trì lễ hội đua thuyền như một hoạt động giải trí lành mạnh, bổ ích cho người dân sau một năm làm lụng vất vả.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Kuin cho biết, nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, những năm qua huyện quan tâm đầu tư kinh phí để khôi phục, phục dựng các nghi lễ, lễ hội như: Lễ cầu mưa tại buôn Kõ Êmong, xã Ea Bhốk; Lễ cúng bến nước tại buôn H’ra Ea Tlá và buôn H’ra Ea H’ning, xã Dray Bhăng; Lễ mừng lúa mới tại buôn Kram, xã Ea Tiêu; Lễ hội dân gian Việt Bắc, xã Cư Êwi; Lễ hội đua thuyền, xã Ea Hu; truyền dạy hát then đàn tính cho thanh thiếu niên dân tộc phía Bắc tại xã Cư Êwi…

 
“Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc cần được lồng ghép với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, thôn buôn văn hóa; từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu để thực hiện nếp sống văn minh, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Kuin

Song song với đó, hằng năm huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND các xã tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số độ tuổi từ 7-16. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, đã mở được 4 lớp truyền dạy đánh chiêng, với sự tham gia của 100 học viên, do 8 nghệ nhân truyền dạy.

Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 135 bộ chiêng đồng, 157 nhà dài truyền thống và trên 200 nghệ nhân biết đánh chiêng tre và chiêng đồng tập trung tại các buôn H’ra Ea H’ning, H’ra Ea Tla, xã Dray Bhăng; buôn Kram, xã Ea Tiêu; buôn Pu Huê, xã Ea Ktur; buôn Kõ Êmong, xã Ea Bhốk…

Việc tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, buôn vui chơi, buôn ca hát, các trò chơi dân gian tạo sân chơi bổ ích cho người dân tham gia, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một cũng được chú trọng thực hiện; nghề cổ truyền của các dân tộc được quan tâm, đầu tư duy trì như: dệt thổ cẩm, đan tre, làm rượu cần...

Người dân tham gia Lễ hội đua thuyền tại xã Ea Hu, huyện Cư Kuin.
Người dân tham gia Lễ hội đua thuyền tại xã Ea Hu, huyện Cư Kuin.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, hiện nay không gian diễn xướng văn hóa truyền thống của các dân tộc đang bị thu hẹp, một số thanh thiếu niên không còn mặn mà việc lưu giữ văn hóa cổ truyền, đó là một trong những thực trạng đáng buồn. Mặt khác, việc phục dựng các nghi lễ, lễ hội gặp khó khăn khi những người am hiểu về phong tục còn rất ít, kinh phí thực hiện công tác này còn hạn hẹp đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống tại địa phương.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.