Multimedia Đọc Báo in

"Báu vật sống" của buôn làng

09:13, 22/03/2020

Không chỉ lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê, những nghệ nhân ở các buôn làng trên địa bàn huyện Krông Bông còn là cầu nối giúp thế hệ trẻ biết trân quý văn hóa của dân tộc.

Người giữ hồn nhạc cụ tre nứa

Ở buôn Cư Păm, xã Dang Kang, nghệ nhân Y Dlong Êban (tên thường gọi là Ama Yang) là người duy nhất biết chơi tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê được chế tác từ tre, nứa. Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đinh năm, đinh puốt…, từ nhỏ, ông Y Dlong đã say mê nhạc cụ dân tộc truyền thống bằng tre, nứa. Mỗi ngày mà không được chơi hay nhìn thấy các nhạc cụ là ông ăn ngủ không ngon.

Nghệ nhân Ưu tú Y Dlong Êban ở buôn Cư Păm, xã Dang Kang với cây đinh năm  do mình chế tác.
Nghệ nhân Ưu tú Y Dlong Êban ở buôn Cư Păm, xã Dang Kang với cây đinh năm do mình chế tác.

Nhờ say mê tìm hiểu nên ông Y Dlong sớm nắm rõ kỹ thuật của từng loại nhạc cụ từ cồng, chiêng cho tới đinh năm, đinh tặc tà, đinh puốt, sáo vỗ... Giờ đây ông có thể chơi hàng chục loại nhạc cụ khác nhau được chế tác từ tre, nứa. Không chỉ biểu diễn giỏi, am hiểu nhạc cụ dân tộc, ông còn tự chế tác nhiều loại nhạc cụ. Ngoài niềm đam mê với các loại nhạc cụ tre, nứa, ông Y Dlong còn mong muốn mang âm hưởng của chúng đến nhiều nơi để mọi người đều biết đến nhạc cụ truyền thống của người Êđê. Những lúc rảnh rỗi ông thường ngồi kể về ý nghĩa của các loại nhạc cụ để con, cháu trong gia đình biết, yêu quý và trân trọng hơn văn hóa dân tộc mình. Tuy năm nay đã 74 tuổi nhưng ông vẫn dành nhiều tâm huyết và thời gian truyền dạy cho con, cháu cách chơi các nhạc cụ với mong muốn con cháu giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc Êđê. Ông Y Dlong tâm niệm rằng, âm thanh của các loại nhạc cụ tre, nứa thể hiện được một phần nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên, nét đẹp mà giờ đây càng ngày càng phai nhạt dần trong tâm thức của nhiều người.

Ông Châu Văn Thạnh, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã Dang Kang cho hay, nghệ nhân Y Dlong từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình ở trong và ngoài tỉnh, là người góp công gìn giữ âm hưởng, linh hồn của âm nhạc Tây Nguyên. Đối với các buôn làng Êđê trên địa bàn xã nói riêng và toàn huyện nói chung thì những người như ông Y Dlong được xem như những “báu vật” văn hóa phi vật thể của dân tộc.

“Truyền lửa” cho nghề dệt thổ cẩm

“Nghề truyền thống thì nhất định phải giữ và truyền dạy cho lớp trẻ, để sau này, dân tộc Êđê mình không mất đi bản sắc” là tâm sự của nghệ nhân H’Blong Knul (hay còn gọi là Amí Ner) ở buôn Ya, xã Ea Trul, người hằng ngày vẫn dệt thổ cẩm và truyền dạy cho lớp trẻ biết nghề truyền thống của dân tộc mình. Từ khi 16 tuổi, bà H’Blong đã biết dệt vải thành thạo do nhìn mẹ dệt rồi yêu thích và tự học theo. Ngày nay người dân trong buôn dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại. Có thời điểm trong buôn số người biết đến nghề dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người trẻ không còn nhiệt tình với khung cửi, với việc dệt thổ cẩm. Điều này khiến bà H’Blong vô cùng trăn trở.

Những mảnh vải thổ cẩm với nhiều hoa văn đặc sắc do Nghệ nhân Ưu tú  H’Blong Knul ở buôn Ya, xã Ea Trul dệt.
Những mảnh vải thổ cẩm với nhiều hoa văn đặc sắc do Nghệ nhân Ưu tú H’Blong Knul ở buôn Ya, xã Ea Trul dệt.

Thật may mắn, ước mơ bao năm của Amí Ner là nghề dệt được lưu giữ đã thành hiện thực, khi những năm gần đây, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Bông và UBND các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống đã phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Được coi là “linh hồn” của nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Ea Trul, bà H’Blong là người trực tiếp truyền dạy cho lớp trẻ. Sau một thời gian dài, với sự nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn của bà, đến nay trên địa bàn huyện Krông Bông có hơn 100 người được bà H’Blong dạy đã biết dệt thổ cẩm.

Ông Y Phen Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trul nhận xét, bà H’Blong đã đóng góp rất lớn trong việc truyền dạy, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương, đặc biệt là “truyền lửa” cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Êđê. Với sự cố gắng, nhiệt tình trong việc truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, bà H’Blong đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của xã, huyện và tỉnh, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, ông Y Dlong Êban và bà H’Blong Knul được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc