Multimedia Đọc Báo in

Lễ buộc chỉ cổ tay - nét văn hóa độc đáo của người Lào

09:35, 01/03/2020

Trong chương trình giao lưu văn hóa giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Attapeu (CHDCND Lào) vào đầu năm 2020, Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Attapeu đã tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay, cầu mong sức khỏe đến với du khách và những người dân.

Lễ buộc chỉ cổ tay là một tục lệ của dân tộc Lào được kế thừa từ thời xa xưa; thường tổ chức vào các dịp Tết truyền thống hay cưới xin, dịp tiễn người đi xa hoặc trở lại nhà sau thời gian xa cách, hoặc tân gia… Phong tục này đặc biệt còn dành cho bạn bè thân thiết với gia chủ. Vì vậy nó có ý nghĩa lớn về tâm linh trong đời sống tinh thần của nhân dân Lào trước đây và hiện nay. Không chỉ vậy, đây còn là một nét văn hóa độc đáo, thể hiện lòng mến khách đối với bạn bè của người Lào. Buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn chính là thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người xung quanh, bạn bè quốc tế rằng chúng tôi yêu mến các bạn.

Buổi lễ tổ chức theo đúng phong tục tập quán của người dân bản địa thì phải tuân thủ đầy đủ các yếu tố như: mâm lễ, ngày giờ cúng, trang phục, lời cúng…và quan trọng là sự thành kính của mỗi người tham dự, mới mang lại sự may mắn. Điều đó thể hiện qua từng sự vật, sự việc diễn ra trong buổi lễ. Như mâm lễ, đó là lễ vật cúng, được bày trí rất công phu tỉ mỉ, bao gồm 5 cái khay làm bằng bạc để chồng lên nhau, sau đó dùng lá chuối tươi quấn thành một ngọn tháp, trên tháp treo cắm các loại hoa lá rất đẹp, kèm theo nhiều sợi chỉ trắng để buộc tay. Ngoài ra, còn có một sợi chỉ dài được truyền từ cột lễ và nối từ tay người này đến tay người khác. Trong mâm lễ còn có gà luộc, nước, rượu, bát gạo, chuối, kẹo, bánh…

Theo quan niệm của người Lào, buộc chỉ vào cổ tay mang đến sức khỏe và may mắn.
Theo quan niệm của người Lào, buộc chỉ vào cổ tay mang đến sức khỏe và may mắn.

Ngoài mâm lễ thì lời cúng cũng rất quan trọng. Sau các bước chuẩn bị, khi tất cả đã ổn định, thầy cúng sẽ khấn cầu xin những vị thần linh mang lại điều tốt đẹp cho mọi người. Lời cúng là do người chủ hành lễ (tức thầy cúng) đọc cúng trong buổi lễ, được diễn tả theo mục đích của lễ trong ngày hôm đó. Tại lễ đón đoàn Việt Nam, lời cúng có nội dung: “Hỡi các vị thần linh ở trên trời, hỡi các vị thần linh ở dưới đất, hỡi các vị thần linh ở trên núi hay trong rừng; hôm nay là ngày lành tháng tốt được các bạn Việt Nam sang thăm nước Lào và biểu diễn nghệ thuật. Vậy người dân Lào rất cám ơn các bạn Việt Nam và hôm nay có làm cái lễ này cầu mong cho các bạn Việt Nam được mạnh khỏe, may mắn, mãi mãi là người bạn thân của người Lào…”.

Trong buổi lễ, những người tham dự sẽ ngồi xung quanh mâm lễ, chủ lễ sẽ ngồi đối diện với những người nhận lễ, châm cây nến trên đỉnh của mâm lễ và khấn vái. Người ngồi xung quanh, tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm. Những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện tới tất cả các thành viên tham dự và tăng thêm sự gắn kết, tình đoàn kết giữa các thành viên dự lễ.

Thầy cúng đang khấn cầu những điều tốt đẹp trong lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào.
Thầy cúng đang khấn cầu những điều tốt đẹp trong lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào.

Khi đã hoàn thành nghi lễ khấn, thầy cúng cột những sợi chỉ vào cổ tay tất cả mọi người với ngụ ý cầu mong cho ai ai cũng có sức khỏe dồi dào và may mắn đến. Nếu người nào được đeo càng nhiều sợi chỉ vào tay thì càng được các thần linh phù hộ cho nhiều sức khỏe và nhiều may mắn.

Anh Đặng Văn Hào (thành viên tham gia đoàn giao lưu tại Lào) cho biết, lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào rất thú vị, theo phong tục của người dân địa phương thì sợi chỉ buộc cổ tay thường được giữ ít nhất trong ba đêm, sau đó mới từ từ tháo ra, không nên lấy kéo hoặc một vật nhọn sắc nào đó cắt ra sẽ mất đi sự may mắn, linh thiêng. Là một người tham gia lễ buộc chỉ cổ tay, anh Hào cũng lưu giữ sợi chỉ như một vật may mắn bên mình.

Sau lễ buộc chỉ cổ tay, người Lào thường hay tổ chức bữa tiệc và cùng nhau ăn cơm, uống rượu vui vẻ với những món đặc sản truyền thống. Đó cũng là cơ hội để mọi người được gần gũi và tình cảm trở nên khăng khít hơn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.