Multimedia Đọc Báo in

Về Đất Tổ nghe huyền tích về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

12:19, 06/03/2020

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra cách đây 1.980 năm đã ghi tạc vào lịch sử dân tộc nét son chói lọi về lòng yêu nước và sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam. Về thăm Đất Tổ Phú Thọ, nghe kể những huyền tích về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng càng nhân lên niềm tự hào dân tộc trong mỗi người...

Hai Bà Trưng là hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, là con gái của một Lạc tướng quê ở huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), thuộc dòng dõi Hùng Vương. Khi đất nước bị giặc phương Bắc (Trung Quốc) xâm lược, đô hộ, không chịu được áp bức, Trưng Trắc đã đứng lên xưng Vương, dấy binh khởi nghĩa. Lịch sử còn ghi chép lại những sự kiện, những câu chuyện và những huyền tích về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. Nơi vùng Đất Tổ Phú Thọ hiện nay còn lưu giữ những ngôi đền, ngôi chùa, những bản ngọc phả là nơi thờ tự các vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng thời kỳ khởi nghĩa, ghi chép lại những câu chuyện về hành trình ra quân của Hai Bà.

Đền Chu Hưng, nơi lưu giữ Chu Hưng Ngọc phả thánh tích ghi chép về huyền tích của Hai Bà Trưng.
Đền Chu Hưng, nơi lưu giữ Chu Hưng Ngọc phả thánh tích ghi chép về huyền tích của Hai Bà Trưng.

Trong quá trình dấy binh khởi nghĩa, đi đến đâu Hai Bà Trưng cũng đều thu phục nhân tài, giao trọng trách cho những tướng tài cầm đầu những cánh quân. Dọc theo dòng sông Hồng, sông Thao ngược lên phía trên giáp địa phận Yên Bái là những vùng đất Hai Bà Trưng đã phát hiện, thu phục được những nữ tướng tài giỏi, giàu lòng yêu nước và sẵn sàng đi theo lời hiệu triệu của Trưng Nữ Vương. Tại thành phố Việt Trì, nơi Hai Bà Trưng chiêu hiền tụ nghĩa, phất cờ khởi nghĩa, nhiều phụ nữ tài giỏi, yêu nước, căm thù giặc đã đáp lời hiệu triệu của Hai Bà, đó là nàng Nội - nữ tướng vùng Bạch Hạc, được Trưng Vương phong là Nhập Nội Bạch Hạc Thủy Công chúa. Hiện thành phố Việt Trì có đền thờ. Đó là Quách A, được Trưng Vương phong là Khâu Ni công chúa giữ chức tả tướng tiên phong.

Đó còn là Hồ Đề, được Trưng Vương phong là Đề Nương công chúa lãnh chức Phó nguyên soái nay thờ ở đình Đông Cao, Yên Lập (Phú Thọ), đại tướng quân Bát Nàn - Vũ Thị Thục Nương, nay đền thờ ở xã Phượng Lâu (Việt Trì). Ở vùng đất Tam Nông (Phú Thọ) có Thiều Hoa Công chúa, nay được thờ trong đền Hiền Quan. Ở xã Chí Chủ (Thanh Ba, Phú Thọ) có Hạnh Nương Công chúa được thờ tại đền Du Yến. Ngược lên phía trên, ở hữu ngạn sông Thao, Hai Bà Trưng đã gặp hai chị em họ Lê là Lê Ả Lan và Lê Anh Tuấn, cả hai người đều đức độ, tài giỏi, khôi ngô, một lòng đi theo phò giúp Hai Bà, được Trưng Vương phong tướng, hiện thờ tại Di tích lịch sử quốc gia đền Nghè (Văn Lang, Hạ Hòa, Phú Thọ).

Tại thành phố Việt Trì hiện nay có một di tích lịch sử là nơi Hai Bà Trưng chiêu hiền tụ nghĩa chuẩn bị dấy binh là chùa Bối Linh. Theo bản “Lâu Thượng thần tích ngọc phả cổ truyền” được lưu tại đình Ngoại - Lâu Thượng do Hàn lâm viện đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (1525 - 1605) phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thì chùa Bối Linh là nơi bước đầu Hai Bà Trưng tập hợp lực lượng, chiêu hiền đãi sĩ chuẩn bị tinh binh cho cuộc khởi nghĩa sau này. Chính tại ngôi chùa này, Trưng Trắc đã thảo tờ hịch rồi trao cho em là Trưng Nhị đi chiêu hiền tụ nghĩa.

Đền Nghè (Văn Lang), di tích lịch sử quốc gia thờ hai vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng.
Đền Nghè (Văn Lang), di tích lịch sử quốc gia thờ hai vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã chiêu mộ được hơn 60 nghìn binh sĩ và tổ chức hội quân tại bãi Dầu thuộc địa phận làng Lâu Thượng. Trưng Trắc vào làm lễ dâng hương tại đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (miếu Vật, xóm Đồi); làm lễ tế cờ và mở tiệc khao quân tại bến Vò (xóm Sải, Lâu Thượng), sau đó làm lễ xuất quân tại chùa Bối Linh để kéo về Hội thề cửa sông Hát (nơi ấy nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội).

Tại vùng đất Tổ Phú Thọ hiện nay còn lưu giữ những bản Ngọc phả trong những ngôi đền thiêng, ghi lại những huyền tích về Hai Bà Trưng thời kỳ khởi nghĩa. Điển hình là bản Chu Hưng Ngọc phả thánh tích lưu giữ tại đền Chu Hưng (Ấm Hạ, Hạ Hòa, Phú Thọ) ghi chép rằng, Trưng Vương đem 5.000 quân tuần sát ở hai lộ Thao Giang và Đà Giang để đối phó quân tiếp viện phía sau của Tô Định.

Lúc bấy giờ, Trưng Nữ xuất quân trên đường, cờ quạt chấn động ngàn núi hai ngày đêm, đến huyện Hạ Hoa, phủ Lâm Thao, Sơn Tây thì gặp quân Hán theo đường thủy tiến đến, Trưng Nữ hạ lệnh tập trung quân trú tại miếu đền đầu trang Nhữ Hạ (Ấm Hạ, Hạ Hòa ngày nay). Trưng Nữ cáo yết xin âm phù dẹp giặc, chiến thắng, trị yên khải hoàn, ban tặng vinh phong. Đêm ngủ đến cuối canh ba, Trưng Nữ mơ thấy thần linh hiện lên báo mộng; hôm sau gửi thư triệu tướng sĩ ở các đồn sở ngay trong ngày phải cùng nhau tiến quân đến đồn Tô Định đại chiến một trận. Quân Tô Định thua chạy, quân ta chém được chính tướng, cùng tì tướng mấy ngàn tên, thu lấy khí giới. 65 thành ở trại ngoài Ngũ Lĩnh đều thu về cõi Nam bang. Trưng Nữ thắng trận khải hoàn, mở tiệc lớn ăn mừng, khao thưởng tướng.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.