Multimedia Đọc Báo in

Bộ tộc cổ dài ở Myanmar

11:34, 28/04/2020

Myanmar là đất nước có hơn 100 thành phần dân tộc, cư trú ở 7 tiểu bang khác nhau và chia thành 8 nhóm dân tộc chính là: Kachin, Kayah, Kayin, Chin, Bama, Mon, Rakhine, Shan.

Bộ tộc Kayan thuộc nhóm Kayah sinh sống tập trung ở vùng Tam Giác Vàng thuộc lãnh thổ của Myanmar và một phần Thái Lan. Trong nhiều thế kỷ, tộc người này nổi tiếng thế giới bởi tập tục đeo vòng cổ bằng đồng khiến nhiều người gọi họ là “bộ tộc cổ dài”.     

Ở Mynamar, tộc người này cư trú ở làng Panpat Padaung, thị trấn Loikaw (tiểu bang Kayah) và thị trấn Pekon (tiểu bang Shan). Trước đây, do xung đột với chính quyền quân sự Myanmar nên một nhóm người trong bộ tộc Kayan chuyển cư đến vùng giáp biên Thái Lan, thuộc tỉnh Chiang Rai, cách thành phố Chiang Mai khoảng 30 km và một bộ phận cư trú tại tỉnh Mae Hong Son.

Người phụ nữ bộ tộc Kayan cầm trên tay  chiếc vòng cổ bán cho du khách làm lưu niệm.
Người phụ nữ bộ tộc Kayan cầm trên tay chiếc vòng cổ bán cho du khách làm lưu niệm.

Khi được sinh ra, các thành viên của bộ tộc Kayan vốn có cổ cũng bình thường như các tộc người khác. Điều làm nên sự khác thường  chính là những chiếc vòng bằng đồng tạo thành hình trụ loe hai đầu gắn chặt trên cổ. Những chiếc vòng bằng đồng nặng nề đẩy xương đòn và lồng xương sườn của người đeo xuống khiến cho người nhìn có cảm giác cổ người đeo dài ra. Khi lên 5 tuổi, những cô bé dân tộc Kayan được tặng 10 chiếc vòng đầu tiên. Mỗi năm đi qua, các cô bé được tặng thêm một chiếc vòng để làm cho cuộn vòng càng dài hơn khi đến tuổi trưởng thành. Số lượng vòng càng nhiều thì vòng cổ càng dài, có người đeo đến hơn 20 chiếc vòng, làm cho vòng cổ dài đến 25 – 30 cm. Những chiếc vòng này sẽ gắn với cơ thể họ suốt đời. Mỗi khi đã đeo vòng vào cổ, họ không được tháo ra, vì việc này rất vất vả, trừ khi vào những sự kiện như kết hôn, sinh con, bị phạt nếu phản bội chồng và qua đời. Không chỉ đeo vòng ở cổ mà họ còn đeo vòng vào tay, chân. Đặc biệt, ở chân cũng có chiếc vòng ống giống trên cổ nhưng ngắn hơn. Trang sức vòng ống chân của bộ tộc này khá giống với các loại vòng ống chân, ống tay được làm bằng đồng của các dân tộc Tây Nguyên như Mạ, M’nông, Stiêng...

Một giả thuyết cho rằng đeo vòng cổ giúp phụ nữ của bộ lạc khỏi bị hổ tấn công khi cổ của họ được che kín. Truyền thuyết kể rằng, xưa có một vị tộc trưởng nằm mơ thấy có hổ về cắn người, để tránh tai họa ông quyết định các bé gái trong làng phải đeo vòng. Cũng có giả thuyết khác giải thích việc đeo thật nhiều vòng cổ là cách làm giảm bớt sắc đẹp của phụ nữ để không bị người của bộ tộc khác bắt đi trước nạn buôn người làm nô lệ ngày xưa. Theo thời gian, việc đeo vòng cổ trở thành tập tục gắn với thẩm mỹ quan của tộc người. Bộ tộc Kayan quan niệm đeo thật nhiều vòng đồng lên cổ và tay chân là cách thể hiện sự cao quý, vẻ đẹp nữ tính và giàu có của gia đình. Hơn thế nữa, những chiếc vòng cổ là thước đo khẳng định vai trò, địa vị của phụ nữ trong cộng đồng.

Người phụ nữ bộ tộc cổ dài trong shop hàng lưu niệm.
Người phụ nữ bộ tộc cổ dài trong shop hàng lưu niệm.

Ngày nay, tập tục của bộ tộc Kayan đã có sự thay đổi, chỉ có những phụ nữ lớn tuổi mới đeo vòng cổ dài; các cô gái trẻ, thiếu nữ cũng giữ tập tục nhưng chỉ chọn những chiếc vòng ngắn bởi đeo vòng dài gây cản trở khi làm việc, ảnh hưởng đến vai và xương đòn. Hơn nữa, muốn có được chiếc vòng đồng dài làm thủ công đẹp mắt họ phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua sắm cho các thành viên nữ trong gia đình.

Nếu trước kia, vì lý do an ninh, việc giao thông, đi lại khó khăn nên du khách rất hiếm có cơ hội đến vùng Tam Giác Vàng để thăm bộ tộc cổ dài thì ngày nay tình hình đã được cải thiện. Bên cạnh khâu an ninh đã được đảm bảo, quốc lộ đến tiểu bang Kayah được nâng cấp tạo điều kiện cho người dân đi lại và du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm văn hóa, nếp sống, phong cảnh của các địa phương. Đặc biệt, Myanmar và Thái Lan đã thực hiện việc di dân cho bộ tộc này từ vùng sâu vùng xa về khu vực thuận lợi giao thông để khai thác du lịch, ổn định cuộc sống cho họ. Năm 1980, Thái Lan đã di dời họ từ làng cũ đến các ngôi làng mới. Trên lãnh thổ Myanmar, nơi bộ tộc cổ dài có dân số đông hơn cũng được chính quyền đưa đến định cư tại một nơi thuận tiện về giao thông, đi lại.

Ngày nay bộ tộc Kayan sống bằng nghề canh tác nương rẫy, dệt vải truyền thống và làm dịch vụ du lịch. Nguồn thu nhập từ bán hàng lưu niệm, đặc biệt là vải thổ cẩm và tiền thưởng của du khách sau khi chụp ảnh đã giúp họ có cuộc sống cải thiện hơn. Tại hồ Inle, hồ nước ngọt nổi tiếng ở tiểu bang Shan, người Kayan được đưa đến đây để tham gia hoạt động du lịch. Họ đeo đồ trang sức, trình diễn thao tác dệt vải thổ cẩm và mở shop bán hàng để lôi kéo du khách mua sắm. Những người phụ nữ đeo vòng đồng tỏ ra rất hãnh diện về tập quán trang sức độc đáo của dân tộc mình.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc