Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về chiến sĩ, thi sĩ của "Cuộc chia ly màu đỏ"

13:48, 28/04/2020

Trong một lần đến thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), chúng tôi ghé thăm ngôi nhà nơi thi sĩ, chiến sĩ Nguyễn Mỹ chào đời và lớn lên thuở hoa niên. Trên nền cũ, nhà đã được xây dựng lại sau chiến tranh; cây khế trăm tuổi vẫn còn đó và giếng đá cổ vẫn luôn tiết ra mạch nước mát lành.

Mùa xuân năm 1936, Nguyễn Mỹ ra đời tại làng quê Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 16 tuổi, ông tình nguyện vào bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp. Ba năm sau, Nguyễn Mỹ tập kết ra Bắc, đóng quân ở Nghệ An. Từ năm 1957, Nguyễn Mỹ đã viết báo và có thơ đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cuối năm 1959, ông theo học lớp Báo chí do Bộ Văn hóa mở, sau đó về làm công tác biên tập ở Nhà xuất bản Phổ Thông rồi theo học Đại học Văn.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Mỹ.  Ảnh tư liệu
Chân dung nhà thơ Nguyễn Mỹ. Ảnh tư liệu

Ngoài sáng tác thơ văn, viết báo, chơi thành thạo một số nhạc cụ, Nguyễn Mỹ còn tham gia viết nhạc. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại, năm 1967 giặc Mỹ đánh phá ác liệt Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), bấy giờ nơi đây trở thành tuyến lửa trong cuộc chiến tranh chống phá hoại của giặc Mỹ. Từ nơi sơ tán Lư Nhất Vũ về Hà Nội, nhân tiện ghé thăm đồng nghiệp Nguyễn Tuân (tên thật của nhạc sĩ Nhật Lai) ở quận Cầu Giấy. Lúc ấy, nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng từ nơi làm việc tranh thủ đến đây thăm gia đình anh chị mình và người yêu ở đoàn văn công. Tình cờ không hẹn mà gặp, cuộc hạnh ngộ nhanh chóng giữa Nguyễn Mỹ và Lư Nhất Vũ đã giúp cả hai cùng hòa hợp lời thơ ý nhạc, đàm đạo việc sáng tác phục vụ kháng chiến. Vậy là mấy ngày sau tại khu văn công Cầu Giấy, Lư Nhất Vũ soạn phần nhạc, Nguyễn Mỹ viết phần lời cho ra đời ca khúc "Câu hò trên tuyến lửa Vĩnh Linh" mang âm hưởng dân ca miền Trung, do ca sĩ Quốc Hương thể hiện. Trong ca khúc ấy có những đoạn Nguyễn Mỹ viết lời tạo cao trào rất ấn tượng:

Hò là hò khoan... ớ khoan hò!

Ai về đất mẹ Vĩnh Linh

Quê tôi có dòng Bến Hải ân tình nặng sâu.

Tháng ngày kết sáng hạt châu

Núi sông hai miền vẫn liền một câu tâm tình...

... Hò là hò ơ dô!

Ngó qua tiền tuyến bên bờ Nam

Nhắn anh Giải phóng đang hành quân

Vĩnh Linh không ngừng đêm ngày dồn sức hậu phương

Cho Bắc Nam sum họp thắm tình đất mẹ của ta...(*)

Sau ca khúc ấy, năm 1968 nhà thơ Nguyễn Mỹ xung phong về Nam chiến đấu, công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Tuyên huấn khu V, đồng thời là phóng viên chiến trường báo Cờ Giải Phóng miền Trung Trung Bộ.

Tình yêu thăng hoa thường tạo cho văn nghệ sĩ "bật lên" tác phẩm xuất sắc. Riêng đề tài tình yêu, thi sĩ Nguyễn Mỹ còn để lại gần 10 bài. Thơ tình của ông là sự cộng hưởng giữa cái riêng và cái chung. Mối tình thắm thiết tươi đẹp của Nguyễn Mỹ với một cô ca sĩ trong những năm nhà thơ sống ở Hà Nội đã góp phần tạo ra tác phẩm “Cuộc chia ly màu đỏ” và một số bài thơ khác để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Và mối tình sau cùng nơi trận mạc Trường Sơn với một nữ bác sĩ đã thành chất xúc tác cho Nguyễn Mỹ trải lòng yêu thương trong tác phẩm “Hơi ấm đường rừng” rất ấn tượng. Lời thề non hẹn biển cuộc tình với cô bác sĩ xinh đẹp nơi chiến trường đánh Mỹ sắp đi đến hồi kết, thì nhà thơ ngã xuống trong một trận càn lớn của địch vào khu sản xuất kháng chiến Nước Ta bên bờ sông Đắk Ta thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam vào sáng ngày 16-5-1971, ở tuổi 35.

Các tác phẩm của Nguyễn Mỹ đã được xuất bản, gồm: Trận Quán Cau (bút ký, 1954), Sắc cầu vồng (thơ, in chung với nhà thơ Nguyễn Trọng Định, 1980); tập Thơ Nguyễn Mỹ (1993); trong đó bài thơ tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất cho cả thế hệ thanh niên một thời lên đường đánh Mỹ của ông có lẽ là “Cuộc chia ly màu đỏ”. Những sáng tác của Nguyễn Mỹ thường ra đời đúng điểm nóng thời cuộc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Thi sĩ, chiến sĩ Nguyễn Mỹ xứng đáng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc đợt đầu tiên cách đây 20 năm.

(*)Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tạp chí Hồn Việt - Hội Nhà văn Việt Nam, số 140, tháng 9-2019.

Nguyễn Tường Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.