Multimedia Đọc Báo in

Ngày pháo hoa vui niềm sum họp

09:29, 29/04/2020

Ngày 30 tháng 4

Áo còn vương bụi đỏ Trường Sơn

Sư đoàn vào thành phố

Giữa chói ngợp bao màu sắc lạ

Mũ lá sen xanh một khoảng rừng

Vào thành phố: những người thắng trận

Một mảng trời bén lửa sau lưng

Khuôn mặt đường xa

Chưa xóa dấu nhọc nhằn

 

Ngày 30 tháng 4

Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng

Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh

Hòa bình và chiến tranh

Cách nhau bằng nấc đạn

Súng đã khóa an toàn

Sân bay giặc bùng lên luồng khói xám

Ngày thành phố trằn vai cơn bão lớn

Ngày pháo hoa đan kín vòm trời

Ngày đạn bắn chuyển rung mặt đất

Ngày súng cầm trên tay thảnh thơi

Từ cánh hoa đào tới cánh hoa mai

Hai miền đất vẹn tròn sum họp

Đàn bầu hãy rung lên trong suốt

Câu nhớ, câu thương, câu đợi, câu chờ

Giọt buồn tan ra

Giọt vui lắng lại

Dây đàn chăng vào trời cao bao la

Cho âm thanh sao rơi mặt đất

Triệu người nghe

Khúc hát bây giờ

 

Này rừng xanh màu áo chiến khu

Này quần đảo chuỗi cườm xinh biển cả

Vòm trời rộng bay nhiều mây trắng xóa

Những đàn chim không biết tự đâu về

Trăm giọng hót ngày hòa bình vui lạ

Có phải từ nơi súng nổ bay ra

Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng

Trải tin vui suốt dải đất hai miền…

Nguyễn Đức Mậu

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã viết bài thơ “Ngày 30 tháng 4” giữa không khí ngập tràn niềm vui thắng trận ấy, khi sư đoàn tiến vào tiếp quản thành đô. Bài thơ khá dài, gần như một tiểu trường ca, ở đây trích đoạn đầu để cảm nhận những giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thi phẩm.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh những người lính sư đoàn tiến vào Sài Gòn được nhà thơ khắc họa với vẻ đẹp thật bình dị nhưng vô cùng hùng tráng và đậm chất sử thi. Đó là những người lính Cụ Hồ chân đất, “mũ lá sen xanh một khoảng rừng”, phải “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” suốt mấy chục nghìn ngày gian khổ, hiểm nguy. Chính hiện thực khốc liệt ấy đã làm nên chiến thắng vinh quang trong ngày 30 tháng 4 lịch sử.

Sau phút giây ngỡ ngàng trước “bao màu sắc lạ” nơi đô thành với giọng thơ tràn ngập cảm xúc, khổ thơ tiếp theo được Nguyễn Đức Mậu khai thác với một loạt hình ảnh đối lập, sắc và mạnh khi sư đoàn tiến vào giải phóng miền Nam. Sài Gòn lúc này quả là đang rơi vào hai thái cực, hòa bình và chiến tranh chỉ cách nhau trong gang tấc. Những người lính trẻ vẫn phải nghiêm lệnh: buổi sáng nạp đạn vào nòng, nhưng chiều về lại mải miết ngắm bầu trời xanh ngỡ như không tưởng. Câu thơ “chiều xanh trời ngẩng mặt ngắm trời xanh” hay đến không ngờ, như một cuộc thoát xác, diễn tả tâm trạng người lính say ngắm hiên ngang như quên cả chính mình. Nhà thơ đã khắc họa rất thành công ngày 30 tháng 4 vừa “pháo hoa” vừa “bão lớn”, vừa “chuyển rung mặt đất” vừa “súng đạn thảnh thơi”. Nghệ thuật đối lập kết hợp với thủ pháp điệp cấu trúc đã tạo nên những câu thơ hùng hồn, mạnh mẽ, phản ánh thật đúng hiện thực đời sống và tâm trạng của tác giả lúc này: “Ngày thành phố trằn vai cơn bão lớn/ Ngày pháo hoa đan kín vòm trời/ Ngày đạn bắn chuyển rung mặt đất/ Ngày súng cầm trên tay thảnh thơi”.

Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng. Ảnh tư liệu
Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng. Ảnh tư liệu

Khổ thơ thứ ba là những cảm xúc, nỗi niềm suy tư lắng sâu hơn của nhà thơ về ngày hòa bình, thống nhất đất nước qua hình tượng tiếng đàn bầu như một biểu tượng tâm hồn của dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử. Tiếng đàn bầu ngân lên trong suốt đến rưng rưng “câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ” như nỗi lòng nhớ thương của nhân dân hai miền suốt mấy mươi năm dài ngóng trông mòn mỏi. Tuy sử dụng thể thơ tự do, vắt dòng nhưng âm điệu đoạn thơ vẫn khiến người đọc xao xuyến, bồi hồi và lắng lòng qua từng đường tơ ngôn ngữ. Nhờ đó, ngày hòa bình, thống nhất giang sơn hiện ra vừa thiêng liêng cao đẹp vừa gần gũi yêu thương: “Từ cánh hoa đào tới cánh hoa mai/ Hai miền đất vẹn tròn sum họp/ Đàn bầu hãy rung lên trong suốt/ Câu nhớ, câu thương, câu đợi, câu chờ/ Giọt buồn tan ra/ Giọt vui lắng lại/ Dây đàn chăng vào trời cao bao la/ Cho âm thanh sao rơi mặt đất/ Triệu người nghe/ Khúc hát bây giờ”.

Tự hào về độc lập, tự do vừa có được, nhà thơ như bay lên trong hạnh phúc ngập tràn. Một loạt hình ảnh đầy chất thơ ùa vào trang viết rộn rã niềm vui, hào hứng đến say mê. Nhân vật trữ tình là người lính sư đoàn - cũng chính là cái tôi trữ tình tác giả - như đang trải qua một giấc mộng diệu kỳ trong tâm tưởng. Phép điệp từ chỉ định “này” kết hợp với nghệ thuật liệt kê: rừng xanh, quần đảo, vòm trời, đàn chim… đã mở ra một thế giới hòa bình vừa đẹp đến ngỡ ngàng, vừa tràn đầy tự hào về một Việt Nam từ nay “nguyên vẹn của ta rồi”: “Này rừng xanh màu áo chiến khu/Này quần đảo chuỗi cườm xinh biển cả/ Vòm trời rộng bay nhiều mây trắng xóa/ Những đàn chim không biết tự đâu về/ Trăm giọng hót ngày hòa bình vui lạ/ Có phải từ nơi súng nổ bay ra/ Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng/ Trải tin vui suốt dải đất hai miền”.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.