Multimedia Đọc Báo in

Cồng chiêng Tây Nguyên: "Mở rộng" hay "lan tỏa"? (Kỳ cuối)

09:12, 05/05/2020

Kỳ cuối: Còn đó những thách thức

Văn hóa cồng chiêng không biến mất trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử - xã hội nào, vì ngay từ khi sinh thành đã mang trong mình bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống vốn phong phú của con người. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua những yêu cầu có tính chất bắt buộc và bất biến trong quá trình kế thừa và sáng tạo để nuôi dưỡng di sản này...

Biến dạng đáng lo ngại

Bảo tồn, phát triển di sản cồng chiêng theo hướng nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm sau khi di sản này được UNESCO công nhận vào năm 2005. Dĩ nhiên địa phương nào cũng cố gắng tìm cho mình câu trả lời thỏa đáng -  và câu trả lời ấy, nói như nhiều nhà nghiên cứu Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên có tâm huyết, rằng phải có thái độ ứng xử hợp với quy luật văn hóa vốn dĩ, có nghĩa là đồng thời với việc bảo tồn thì phải tiếp tục phát triển sao cho phù hợp với cuộc sống hôm nay.

Nhiều lớp học nâng cao kỹ năng thẩm âm và chỉnh sửa chiêng được tổ chức nhằm duy trì, bảo tồn di sản cồng chiêng ở Đắk Lắk.
Nhiều lớp học nâng cao kỹ năng thẩm âm và chỉnh sửa chiêng được tổ chức nhằm duy trì, bảo tồn di sản cồng chiêng ở Đắk Lắk.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm, trong quá trình ấy tuyệt đối không được phép có chuyện “có mới nới cũ” như đã từng xảy ra tại một số cộng đồng dân tộc sinh sống trong không gian văn hóa cồng chiêng. Bởi việc làm đó là hết sức nguy hiểm đối với một di sản văn hóa nhân loại như Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh trong những lần tham dự Hội thảo khoa học về Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã từng khuyến cáo điều đó và cho rằng thái độ xa rời, đoạn tuyệt với những giá trị truyền thống để nắm bắt và hướng đến cái mới trong ý thức “mất gốc, lai căng” là có lỗi với lịch sử, với chính cộng đồng của mình. Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại là vì đó là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử - văn hóa của các tộc người thiểu số Tây Nguyên; thêm nữa đó còn là biểu tượng đặc sắc cho trí tuệ, tài năng sáng tạo âm nhạc độc đáo của cư dân tại chỗ. Giờ đây, muốn hay không muốn, những giá trị ấy của cồng chiêng phải được bảo tồn, gìn giữ nguyên dạng mọi đặc trưng của nó.

Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên đều đồng ý với cách đặt vấn đề của GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh. Nhiều người cho rằng cải tiến, phát huy một giá trị văn hóa đã được tôn vinh, thừa nhận (như Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên) mà không có sự kế thừa, tiếp nối liền mạch thì không thể chấp nhận được. Việc cải tiến dàn cồng chiêng theo kiểu “gò” lại theo thang âm của phương Tây có đầy đủ bảy nốt (đồ, rê, mi, son, pha, la, si) để chơi một bài nhạc nào đó như đã từng xảy ra tại một số địa phương, được cho là hoàn toàn xa lạ với truyền thống và đặc trưng vốn có của cồng chiêng Tây Nguyên. Sự vứt bỏ, phá cách từ thang âm, điệu thức, tiết tấu… đến hình thức và kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng nhằm thỏa mãn cho ý thích, mục đích nào đó được coi là sự xâm lăng, xúc phạm đến vốn văn hóa ngàn đời của các tộc người ở Tây Nguyên, trong đó văn hóa cồng chiêng là “tượng đài” tiêu biểu độc đáo và giàu bản sắc. 

Mở rộng hay lan tỏa Không gian Văn hóa cồng chiêng?

Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, giờ đây trong dòng chảy văn hóa đương đại đã dần thoát khỏi “môi trường thiêng” để trở thành một trong những hoạt động văn hóa - nghệ thuật gần gũi và đời thường hơn, không còn bó hẹp trong lễ hội, nghi thức linh và tín ngưỡng dân gian xưa. Nhiều người cho đó là sự “lột xác” của văn hóa cồng chiêng nhằm tìm đến với đời sống mới. Song, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, liệu đó có phải là “Không gian Văn hóa cồng chiêng” - điều cốt lõi và quan trọng nhất để UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa nhân loại.

Nhịp chiêng Êđê lan tỏa tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Hà Nội. Ảnh: H.Hùng
Nhịp chiêng Êđê lan tỏa tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Hà Nội. Ảnh: H.Hùng
 

“Tích cực gìn giữ, khôi phục "môi trường sống" cho cồng chiêng theo hướng nguyên trạng là tốt nhất. Văn hóa cồng chiêng luôn phải đính kèm với thông điệp được phát đi từ lễ hội truyền thống, phong tục, tín ngưỡng và tâm linh của cộng đồng hướng đến và không ngừng gìn giữ. Văn hóa cồng chiêng hiện nay ở Đắk Lắk đã thật sự sống lại và có ý nghĩa khi được ngân lên trong những không gian như thế, dù trong buôn làng hay bất kỳ ở đâu”.

 

Phó GS, TS Tuyết Nhung Buôn Krông – Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên

 

Về điều này, cố GS Trần Văn Khê - trong một lần tham dự Festival Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại phố núi Pleiku - Gia Lai (trung tuần tháng 3-2011) cho rằng: Cồng chiêng ngày nay thoát ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa mình vào cuộc sống đầy biến chuyển cũng là điều tất yếu, nhưng bảo đó là “mở rộng” không gian văn hóa cho cồng chiêng là không ổn, mà đúng ra đó là sự lan tỏa của một thực thể văn hóa được công nhận và tôn vinh. Bởi nói gì thì nói, môi trường sinh thành văn hóa cồng chiêng và thật sự nó có ý nghĩa khi được gắn liền với lễ nghi, phong tục, lễ hội và tín ngưỡng dân gian. Tách cồng chiêng ra khỏi môi trường ấy, coi như giá trị văn hóa đặc trưng và độc đáo ấy không còn hàm chứa “mã số thông tin” về mặt lịch sử - văn hóa nào nữa.

Vậy nên, khi hoạch định và xây dựng các chương trình, đề án tiếp theo nhằm bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng, giới chuyên môn cũng như các tổ chức cơ quan, ban ngành có trách nhiệm cần lưu tâm đến những vấn đề đáng quan tâm trên. Vì khi nói đến Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là nói đến một không gian (sinh tồn và văn hóa), chứ không phải là sự trình diễn, tiếp nhận và cảm xúc về một nhạc cụ, hay loại hình âm nhạc đơn thuần. Những băn khoăn, trăn trở ấy cần được tiếp tục nghiên cứu, tham khảo để đưa di sản này luôn phát triển đúng hướng, xứng đáng với sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân loại.

Đình Đối

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.