Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo sáo Crơtót của người Cơ Tu

06:15, 16/05/2020

Tộc người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam sinh sống tập trung tại 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.

Ngoài những bài dân ca, điệu múa tâng-tung da-dá nổi tiếng, người Cơ Tu còn có một kho tàng nhạc cụ dân tộc, như đàn tơm rech, đàn jưl, abel, khèn a guôch, sáo a buốt, thêy (tù và), ching (chiêng)… Mỗi loại nhạc cụ có những đặc điểm và chức năng riêng để thể hiện tâm tư, tình cảm của đồng bào trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, sáo Crơtót là một nhạc cụ dễ làm nhưng rất độc đáo trong cách chơi và công dụng của nó. Âm thanh lảnh lót của nó gợi nhớ về những năm tháng mà ông bà, tổ tiên của người Cơ Tu đã gắn bó với núi rừng Trường Sơn.

Ông Bh’ríu Thiện (75 tuổi, ở thôn Bh’Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) thổi sáo Crơtót.
Ông Bh’ríu Thiện (75 tuổi, ở thôn Bh’Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) thổi sáo Crơtót.

Sáo Crơtót là nhạc cụ thuộc họ hơi, hình dáng nhỏ, gọn, chất liệu được chế tác từ ống nứa, dài khoảng 8 cm, một đầu còn nguyên mắt. Đoạn giữa của ống nứa được khoét sâu tạo cho ống nứa có dáng hình phễu, dưới mắt nứa khoảng 1 cm có một lỗ nhỏ, dùng cật nứa vót mỏng để tạo lưỡi gà, khi thổi sẽ tạo nên âm thanh. Tuy nhìn bề ngoài sáo Crơtót khá đơn giản, nhưng để chế tác ra một cây sáo ưng ý và cho âm thanh hay thì cũng rất kỳ công; đôi khi chế tác từ 5 - 7 cái thì mới có được một Crơtót tạo ra âm thanh chuẩn…

Khi thổi Crơtót, nghệ nhân Cơ Tu áp dụng các kỹ thuật rung hơi, lấy hơi từ miệng thông qua lưỡi gà tác động vào lỗ nhỏ trên thân sáo để tạo ra những âm thanh, tiếng kêu phù hợp cho từng con mồi trong mỗi lần nhử chim… Đây là cách săn chim rất hữu hiệu, con chim nghe tiếng Crơtót giống tiếng hót (kêu) của mình thì lập tức bay sà xuống và dính nhựa đã được bôi sẵn trên thân cây. Lúc này, người nhử chim chỉ việc gỡ chim và bỏ vào lồng.

Ông Bh’ríu Thiện truyền dạy cách thổi sáo Crơtót cho lớp trẻ Cơ Tu trong làng.
Ông Bh’ríu Thiện truyền dạy cách thổi sáo Crơtót cho lớp trẻ Cơ Tu trong làng.

Không chỉ thổi sáo Crơtót cho đúng bài bản, người thổi sáo phải tạo nên âm thanh ngân nga, lay động cả núi rừng... Hiện nay, sự thay đổi trong tập quán lao động, sản xuất cùng với sự giao thoa văn hóa, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam không còn đi săn thú, hái quả rừng, cũng không còn nhử chim nữa. Tuy nhiên, sáo Crơtót vẫn được người Cơ Tu từ vùng cao, trung đến vùng thấp thuộc huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang sử dụng nhiều, song số người còn biết thổi Crơtót không nhiều. Lớp trẻ Cơ Tu bây giờ không còn mặn mà với âm nhạc của tổ tiên, trong đó có sáo Crơtót.

                                Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.