Gian nan hành trình bảo tồn voi (Kỳ 3)
Kỳ 3: Những người “duyên - nợ” với voi
Trong quá trình tìm hiểu về công tác bảo tồn voi (BTV), chúng tôi đã gặp nhiều người đến với voi như một cơ duyên của cuộc đời. Họ coi voi như bạn, như người thân và dành hết tâm huyết, sự tận tụy để bảo vệ, chăm sóc voi.
Nài voi trung thành của “bảo mẫu” H’Băn
Sinh và lớn lên ở vùng có truyền thống nuôi voi lâu đời bên Hồ Lắk, nhưng từ nhỏ đến lớn, chàng trai Y Hoanh Sruk (buôn Yôk Duôn, xã Yang Tao) chỉ quen với việc đồng áng, nương rẫy chứ chưa lần nào tiếp xúc trực tiếp với voi. Năm 20 tuổi, anh lập gia đình và về sống tại nhà vợ ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn. Cậu bên vợ là ông Báp Khôi có con voi cái tên H’Băn Nơm, sinh năm 1962. Từ ngày đó, anh cũng coi voi H’Băn là một thành viên trong gia đình như truyền thống của dòng họ, dần dần trở thành nài voi thực thụ và gắn bó với voi "bảo mẫu" đến lúc voi không còn.
Gọi là voi “bảo mẫu” (đầu tiên ở Việt Nam) vì khi voi Bắk Nang ở xã Đắk Liêng, huyện Lắk mang thai thì H’Băn được lựa chọn để chăm sóc, hỗ trợ sinh sản. Nguyên cớ là: 42 năm trước, H’Băn sinh con cùng thời điểm Bắk Nang được voi mẹ Bắk Hôt sinh ra, nhưng con của H’Băn chết nên Bắk Nang ngoài mẹ đẻ còn được H’Băn cho bú, chăm sóc. Quấn quýt nhau từ nhỏ, nên khi Bắk Nang mang bầu, “bảo mẫu” luôn bên cạnh, khi đau vì bị con đạp trong bụng, “voi dì” lại gần vỗ về âu yếm bằng cách chạm vào vòi, mặt hay thổi vào bụng. Mẹ đẻ mất từ lâu, lúc sinh, Bắk Nang đau đớn, lo lắng, hoảng loạn thì được mẹ H’Băn xoa bóp, vỗ về bằng những âm thanh, cử chỉ nhẹ nhàng.
Anh Phan Phú kiểm tra hai con voi rừng bị thương được cứu hộ về tại Trung tâm Bảo tồn voi. |
Công việc hằng ngày của Y Hoanh là dẫn voi vào rừng tìm thức ăn. Trước đây, khi rừng còn rậm, nguồn thức ăn phong phú thì khoảng 1 tuần đến 10 ngày, anh mới dẫn voi về nhà. Sau này, do rừng bị phá, nguồn thức ăn ít dần nên anh phải dẫn voi đi về hằng ngày để thay đổi khu vực chăn thả. Y Hoanh tâm sự, do từ nhỏ chưa biết đến nghề nài voi, nên khi được dòng họ bên vợ giao trọng trách chăm sóc, nuôi dưỡng voi H’Băn anh cảm thấy rất lo lắng. Song sau một thời gian tiếp xúc với voi, anh và H’Băn đã thân thiết như người ruột thịt. H’Băn tuổi già sức yếu, nên mỗi lần tìm chỗ ăn uống cho voi, anh phải tìm những vị trí có địa hình không quá cao và gần suối nước. Với H’Băn, anh chưa bao giờ phải dùng đến vũ lực để điều khiển, chỉ với những từ hướng dẫn quen thuộc như “rê "– đi theo mình, “đun" – dừng lại, “mã" – ăn đi… là con voi to lớn ngoan ngoãn nghe theo. Giữa tháng 12-2019, khi đang ở cánh rừng Nam Păr, Y Hoanh thấy H’Băn mắt lờ đờ, chân từ từ ngã quỵ xuống. Hình ảnh đó ám ảnh anh cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến tên H’Băn nước mắt chàng nài voi lại trào ra. Voi H’Băn được chôn theo phong tục của người dân địa phương, nhang luôn để sẵn ở đó, mỗi lần vào rừng, Y Hoanh đều ghé mộ H’Băn để thắp nhang và ngồi đó một lúc lâu…
"Ông bố" trẻ của những chú voi con
Anh Phan Phú làm nhân viên của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk từ năm 2012. Chuyên môn là ngành Công nghệ sinh học, nhưng với sự chịu khó học hỏi và được tập huấn, đào tạo thêm về thú y, anh Phú đã trở thành bác sĩ thực thụ của voi. Anh còn nhớ, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2015, một chú voi rừng tầm 3 tuổi dính bẫy ở Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn bị mất móng chân trái trước, anh cùng đồng nghiệp phối hợp với nhân viên của VQG triển khai nhiệm vụ cứu hộ voi mắc bẫy đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng. Chú voi rừng được cứu hộ sau này được đặt tên là Jun với mong muốn chú voi luôn gặp may mắn. Jun thời điểm được cứu hộ sức khỏe rất yếu, nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc rất khó khăn, hiện mới hồi phục được 70%.
Chị Dionne Slagter cho biết, Chương trình hợp tác giữa Tổ chức Động vật châu Á và tỉnh Đắk Lắk sẽ kết thúc vào năm 2021, nhưng vị chuyên gia này mong muốn dự án tiếp tục được ký kết để chị và tổ chức có điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho voi theo một lộ trình dài hơi, liên tục. Và có lẽ, vì mải mê lo cho công tác BTV mà hiện chị vẫn chưa nghĩ đến chuyện kết hôn. |
Đến cuối tháng 3-2016, anh Phú cùng nhiều cán bộ, chuyên gia tiếp tục cứu hộ thành công voi Gold bị rớt xuống giếng thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, bùn ngập họng. Lúc đó, Gold mới được tầm 3 - 4 tháng tuổi nên nhận định giữ lại để chăm sóc là rất khó, lãnh đạo Trung tâm quyết định thả voi về với mẹ. Sau nhiều lần đưa Gold về rừng đều bất thành nên đơn vị quyết định để lại nuôi dưỡng. Voi quá nhỏ, phải chăm sóc theo chế độ đặc biệt như một đứa trẻ sơ sinh nên anh Phú và các nhân viên ở đây trở thành “bố” của Gold. Rời xa mẹ từ sớm nên voi Gold nhiều khi tỏ ra sợ hãi, anh em cán bộ phải âu yếm, vỗ về như em bé. Đặc biệt, phải canh cứ 2 - 3 tiếng lại cho Gold uống sữa, bất kể ngày đêm, mỗi lần kéo dài 30 phút. Anh Phú dí dỏm, anh tuy còn độc thân, nhưng đã có kinh nghiệm gần 6 năm nuôi “con”– những chú voi hoang dã không may gặp nạn.
Người phụ nữ Hà Lan yêu voi
Khi chúng tôi định tiếp cận chụp hình một chú voi đang được thả trong VQG Yok Đôn thì một phụ nữ ngoại quốc đến phản đối kịch liệt vì voi đang bị thương và Vườn hạn chế ra vào do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Khi biết chúng tôi là phóng viên tìm hiểu về công tác BTV thì chị tỏ ra thích thú và vui vẻ nhận lời. Người phụ nữ ấy là Dionne Slagter, người Hà Lan - chuyên gia Quản lý phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật châu Á. Tháng 7-2017, sau khi tìm hiểu thực tế về voi, nhận thấy những khó khăn của tỉnh Đắk Lắk trong BTV, chị Dionne bàn với gia đình bán nhà để trở lại Buôn Đôn làm việc với vai trò cố vấn, hỗ trợ đem lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho voi. Nhiệm vụ đầu tiên của chị là kết hợp voi Jun và Gold sống chung với nhau. Hằng ngày, chị cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm BTV luôn quan sát, theo dõi các hành vi của 2 chú voi này để từ đó nắm bắt sở thích của mỗi con; đồng thời, chụp hình, quay phim về hoạt động của voi ở mọi thời điểm để kết nối với chuyên gia nước ngoài phân tích và đưa ra giải pháp thích hợp để tạo môi trường hòa nhập tốt nhất cho Jun và Gold.
Nài voi Y Hoanh Sruk thắp nhang cho voi H’Băn chết năm 2019. |
Với kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, chị Dionne vận dụng nhiều cách để hỗ trợ cán bộ chuyên môn của tỉnh cải thiện năng lực chăm sóc, bảo tồn voi; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ đàn voi. Chị miệt mài với công việc của mình theo quan điểm để voi phát triển một cách tự nhiên nhất có thể, không có sự điều khiển bằng bạo lực, hạn chế kiểm soát voi dưới mọi hình thức… Vấn đề chị Dionne quan tâm hiện nay đó là thực trạng xung đột giữa voi hoang dã với người, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến số lượng voi hoang dã giảm dần qua từng năm. Giải pháp để hạn chế tình trạng xung đột này, đòi hỏi chính quyền địa phương, người dân và cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc, trong đó điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng đốt rừng làm rẫy dẫn đến thu hẹp môi trường sống của voi.
(Còn nữa)
Kỳ 4: Nỗ lực giúp voi... làm mẹ
Minh Thông – Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc