Gian nan hành trình bảo tồn voi (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Rồi mai này voi sẽ sinh sôi…
Công tác bảo tồn voi (BTV) đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan, mà rõ ràng nhất là voi hoang dã đã được đánh giá, giám sát số lượng đàn, voi nhà được chăm sóc nâng cao sức khoẻ và phúc lợi. Đây là tiền đề để hy vọng về những "trái ngọt" cho nỗ lực BTV của địa phương trong tương lai.
Những vướng mắc cần khắc phục
Theo các chuyên gia, nhiều chủ voi chưa nhận thức được giá trị to lớn về sinh học và văn hóa lâu đời của những cá thể voi nhà cuối cùng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó số lượng voi nuôi còn lại quá ít, đa phần voi đã lớn tuổi và một thời gian dài trước đây không được sự quan tâm đúng mức. Đây là những khó khăn, rào cản hạn chế thành công của chính sách chăm sóc sức khoẻ, bảo tồn và phát triển đàn voi nhà.
Về phía những người trực tiếp làm công tác BTV cũng gặp nhiều thách thức, bởi đây là lĩnh vực mới mẻ, cán bộ làm công tác chuyên môn chưa được đào tạo chuyên sâu. Một bất cập khác là nguồn kinh phí hoạt động hằng năm còn ít, thiết bị chuyên dụng chưa được trang bị đầy đủ. Do đó, quá trình tác nghiệp, nhất là phẫu thuật, điều trị và làm các xét nghiệm thú y phục vụ cho nghiên cứu sinh sản, chữa bệnh… gặp nhiều khó khăn.
Đối với những chủ voi là doanh nghiệp và hộ gia đình chủ yếu nuôi voi để phục vụ du lịch, việc chăm sóc, chế độ ăn cho voi chưa tốt trong khi nguồn thức ăn từ tự nhiên ngày càng khan hiếm, nên sức khỏe, tuổi thọ voi giảm. Bên cạnh đó, do quản lý, nuôi nhốt độc lập nên voi ít có cơ hội gặp gỡ giao phối để sinh sản bảo tồn nòi giống. Đối với voi hoang dã, tuy không còn bị săn bắn nhưng vẫn đối diện với nhiều nguy cơ do xung đột với con người, sinh cảnh, môi trường sống thu hẹp, biến đổi, nguồn thức ăn giảm. Điều này làm cho voi đối mặt với nhiều áp lực, giảm khả năng sinh sản trong tự nhiên.
Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và chuyên gia nước ngoài kiểm tra sức khỏe một con voi đang giai đoạn trị thương. Ảnh: Phan Phú |
Theo chị Dionne Slagter, chuyên gia Quản lý phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật châu Á, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung đang gặp nhiều khó khăn trong công tác BTV. Cụ thể, thu nhập từ voi quá cao mà nguồn kinh phí của nhà nước và các dự án chưa thể chi trả đủ để chủ voi bỏ kinh doanh dịch vụ và đưa voi đi… bảo tồn. Bên cạnh đó, số lượng voi của Việt Nam ít hơn một số nước châu Á khác như: Thái Lan, Srilanca, Ấn Độ..., do đó tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế chưa thật sự đủ sức nặng đối với các chuyên gia và người làm công tác bảo tồn động vật nên khó thu hút các chương trình, dự án về BTV.
Theo đánh giá của Trung tâm BTV Đắk Lắk, việc triển khai chính sách theo Dự án khẩn cấp BTV tỉnh Đắk Lắk và Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND, ngày 21-12-2012 của HĐND tỉnh, bên cạnh những hiệu quả đạt được vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trong thực tiễn. Cụ thể, địa phương chưa có chính sách cụ thể về việc cứu hộ voi nhà trong khi thực tế nhiều chủ voi không còn khả năng chăm sóc voi. Bên cạnh đó, thời gian, mức hỗ trợ cho chủ voi, nài voi còn thấp; chế độ đãi ngộ, phụ cấp cho cán bộ chuyên môn BTV chưa hấp dẫn, bởi thú y về voi có tính đặc thù, vất vả hơn nhiều so với thú y thông thường.
Voi sẽ đông trở lại!
Theo anh Đỗ Viết Thụ, Trưởng Phòng BTV hoang dã (Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk), để bảo vệ, phát triển đàn voi hoang dã, vấn đề cốt yếu là phải giữ được rừng, làm giàu rừng - vùng sinh cảnh và hành lang di chuyển của voi, nhất là tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo. Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực có voi sinh sống, trước khi thực hiện cần được đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, phải đặc biệt chú ý đến các tuyến đường di chuyển theo mùa của voi. Bên cạnh đó, địa phương và các bộ, ngành liên quan cần có kiến nghị với Chính phủ xây dựng chính sách riêng về BTV, trong đó có chính sách cụ thể về vấn đề xung đột voi - người nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương có voi hỗ trợ người dân bị thiệt hại cây trồng, tài sản kiến trúc do voi phá hoại.
Quần thể voi nhà còn lại tại huyện Lắk. |
Đối với voi nhà, địa phương nên có cơ chế dừng việc du lịch cưỡi voi, hỗ trợ kinh phí cho các chủ voi chuyển đổi từ mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện, trải nghiệm với voi để voi được nghỉ ngơi hoàn toàn nhằm phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu sinh sản, giáo dục bảo vệ môi trường có sự quản lý của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, Trung ương và tỉnh cần hỗ trợ, bố trí kinh phí để đầu tư hoàn chỉnh những hạng mục cấp thiết cho công tác BTV như bệnh viện voi, trang thiết bị thú y chuyên dùng, xây dựng khu chăn thả tự nhiên bảo đảm cung cấp thức ăn tự nhiên và an toàn cho voi. Ngoài ra, những người làm công tác BTV cũng kiến nghị Chính phủ đề xuất các quốc gia hỗ trợ một vài cá thể voi cái còn trong độ tuổi sinh sản (từ 12 - 25 tuổi) cho Trung tâm BTV để tiếp tục thực hiện chương trình nghiên cứu sinh sản nhằm duy trì và bảo tồn nguồn gen loài động vật lớn nhất trên cạn tại Việt Nam. Cùng với đó, Trung tâm BTV cũng đề xuất tỉnh có những điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác BTV, nhất là bổ sung chính sách cứu hộ voi nhà đưa về quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung và có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn hơn cho chủ voi, nài voi và cán bộ thú y cho voi.
Giám đốc Trung tâm BTV Đắk Lắk Huỳnh Trung Luân khẳng định: “5 năm đầu làm công tác BTV đã đạt được những thành quả khả quan, nhất là nâng cao nhận thức của người dân về voi hoang dã và chăm sóc đàn voi nhà bằng các biện pháp thú y khoa học, tiến bộ. Những người BTV đã có được nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là tính khả thi trong việc cho voi nhà sinh sản. Tin tưởng rằng với sự quan tâm của Nhà nước, tâm huyết của những cán bộ, chuyên gia, các nhà khoa học cùng sự chung tay của cả cộng đồng, voi Đắk Lắk sẽ được gìn giữ và đông đàn trở lại”.
Phạm vi Dự án BTV Đắk Lắk là các khu rừng đặc dụng và các vùng thuộc hành lang di chuyển của voi hoang dã, voi nhà thuần dưỡng. Cụ thể, quần thể voi hoang dã có nơi cư trú di chuyển kiếm ăn trong diện tích khoảng 173.000 ha, quy hoạch khu chăn thả, chăm sóc sức khỏe, sinh sản voi nhà 350 ha. Trung tâm BTV Đắk Lắk phối hợp với các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo thành lập 9 tổ bảo vệ voi tại các xã, được hỗ trợ công cụ và nghiệp vụ để xua đuổi voi rừng, hạn chế xung đột voi – người. |
Minh Thông – Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc