Giữ "hồn riêng" buôn làng giữa lòng thành phố
Sau 45 năm đất nước trọn niềm vui, Buôn Ma Thuột - thành phố của thủ phủ Tây Nguyên đạt nhiều dấu ấn quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ có sự đổi thay vượt bậc, song vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, tạo nên nét đẹp rất riêng vừa hiện đại, vừa truyền thống đặc trưng.
Già làng Y Blah Êban (78 tuổi) sinh ra, lớn lên ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) cảm nhận sâu sắc và rất đỗi tự hào về buôn làng của mình từ sau ngày thống nhất đất nước. Trong niềm phấn khởi, già làng Y Blah chỉ về phía những ngôi nhà cao tầng sát bên cạnh nếp nhà sàn của đồng bào Êđê nói với vẻ mãn nguyện: “Giữa lòng thành phố, buôn mình vẫn bảo tồn được nhiều mái nhà dài truyền thống. Chính điều này tạo cho buôn làng, cho TP. Buôn Ma Thuột một nét riêng hài hòa giữa hiện đại và truyền thống mà không phải thành phố nào cũng có được…”.
Buôn trưởng buôn Akô Dhông Y Pun Niê Bing không được giấu niềm vui khi trong buôn có 64 hộ người Êđê thì phần lớn đều thuộc diện khá giả, không còn hộ nghèo. Hơn 50% số hộ đều có nhà xây khang trang, có xe hơi, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà dài, cùng những vật dụng truyền thống… Gần đây, nhiều gia đình Êđê trong buôn đã nhạy bén, biết phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để làm du lịch, dịch vụ đem lại nguồn thu nhập cao…
Những nếp nhà dài ở buôn buôn AKô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Y Si Thôn, Trưởng Phòng Dân tộc TP. Buôn Ma Thuột cho biết, không riêng buôn Akô Dhông, đời sống vật chất, tinh thần của 15.390 hộ DTTS, với 54.225 khẩu sinh sống ở 33 thôn, buôn, cụm dân cư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, cùng chung tay góp phần xây dựng TP. Buôn Ma Thuột ngày ngày giàu đẹp. Đạt được kết quả này là nhờ nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS của Đảng, Nhà nước, đã giải quyết những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội của các hộ đồng bào DTTS, tiếp thêm niềm tin, động lực cho bà con nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nếu như năm 2014, toàn thành phố có 654 hộ DTTS nghèo (chiếm 42% tổng số hộ nghèo của thành phố) thì đến cuối năm 2019 giảm còn 205 hộ (gần 20% số hộ nghèo của thành phố) và chỉ chiếm 0,2% tổng số hộ toàn TP. Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh sự "trợ lực" của Nhà nước, đồng bào DTTS tại chỗ ở hầu hết các buôn làng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã nêu cao ý thức bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Đơn cử tại các buôn: Alê A (phường Ea Tam), Păn Lăm (phường Tân Lập), Tơng Jú (xã Ea Kao)…, nhiều hộ phát triển nghề dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan… để tạo việc làm, tăng thu nhập; đồng thời quảng bá rộng rãi, đưa một số mặt hàng truyền thống ra thị trường. Bà H'Yam Bkrông, Buôn trưởng buôn Tơng Jú, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch, nên lợi nhuận của HTX tăng lên từ 20 - 30%. Nhờ vậy, 45 xã viên HTX đều có đời sống khá giả hơn. Với tâm nguyện làm giàu bằng nghề ông bà để lại và gìn giữ, phát triển những giá trị truyền thống, bà H'Yam đang xây dựng một ngôi nhà sàn với đầy đủ vật dụng truyền thống của người Êđê gồm chiêng, ché, gùi,... như một bảo tàng thu nhỏ và là nơi trưng bày các sản phẩm thổ cẩm để khách hàng đến giao dịch, tham quan, tìm hiểu về văn hóa của người Êđê...
TP. Buôn Ma Thuột hiện có 23 đội cồng chiêng, trong đó có khoảng 10 đội chiêng đủ năng lực trình diễn và truyền dạy cho thế hệ tiếp nối, bảo đảm yêu cầu bảo tồn, phát huy vốn di sản quý báu; đồng thời cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cải thiện đời sống cho các hộ DTTS bản địa ở các buôn, làng, cụm dân… khi nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của người dân tăng cao. |
Hay như tại một số buôn làng khác ở TP. Buôn Ma Thuột, những nghệ nhân tâm huyết với văn hóa cồng chiêng đã và đang nuôi dưỡng, cho cồng chiêng một đời sống khác, không còn bó hẹp trong không gian “thiêng” như trước nữa mà với tư cách là loại hình âm nhạc độc đáo và đầy sáng tạo của tộc người bản địa, đem lại nguồn thu nhập cao cho không ít bà con DTTS giữa nhịp sống hiện đại. Cồng chiêng giờ đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch, không chỉ là sợi dây kết nối giữa các buôn làng, giữa con người với thế giới thần linh, mà còn là tiếng lòng của người Tây Nguyên để gọi mời bè bạn bốn phương về khám phá mảnh đất giàu tiềm năng kinh tế và văn hóa của mình.
Bà H' Yam Bkrông tâm huyết với việc giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc Êđê. |
Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, từ năm 2017, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, thành phố đã lựa chọn một số giá trị văn hóa đặc trưng để xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch, tập trung tại 3 buôn: Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Tuôr (xã Hòa Phú) và buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu). Trong đó, buôn Tuôr hiện đã được khảo sát để đầu tư bảo tồn gắn với việc phục vụ du lịch cộng đồng; phục dựng một số nghi lễ đặc trưng; bảo tồn chữ viết của một số đồng bào DTTS; lựa chọn tu bổ, cải tạo, sửa chữa 6 bến nước và phục dựng 5 ngôi nhà dài truyền thống hiện đã xuống cấp tại một số buôn; mỗi năm mở từ 5 lớp trở lên truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên người DTTS; mỗi buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS thành lập hoặc duy trì từ 1 đội diễn tấu chiêng hoặc 1 - 2 đội văn nghệ dân gian.
TP. Buôn Ma Thuột - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đa bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt nhận thức, ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của chính chủ nhân các giá trị văn hóa truyền thống ấy đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ… Tin rằng TP. Buôn Ma Thuột không ngừng phát triển giàu đẹp, hiện đại nhưng vẫn giữ được "hồn riêng" truyền thống của vùng đất thủ phủ cao nguyên.
Minh Huyền
Ý kiến bạn đọc